Các nguồn tin dự báo truớc đó đều cho rằng phân urê do trong nước sản xuất năm nay sẽ dư thừa, vì vậy các nhà máy không ai dám nhập khẩu. Nhưng trên thực tế nguồn cung urê lại hết sức khan hiếm. Chính vì khan hiếm bất thường nên giá urê tăng liên tục trong những ngày gần đây.

Thực tế, nguồn cung urê khi cả nước đang bước vào vụ hè thu bị thiếu hụt, vì mặc dù Nhà máy đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động nhưng nguồn cung cho thị trường trong nước vẫn chưa đủ. Hơn nữa, Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm phải đến tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay mới có sản phẩm thương mại nên nguồn cung urê vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Thế nhưng trước dự báo đủ nguồn cung, nhiều nhà máy không dám nhập khẩu dẫn đến tình trạng thiếu hụt đẩy giá lên cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 4 cả nước khoảng 330.000 tấn. Tính đến hết tháng 4, cả nước nhập khẩu khoảng 938.000 tấn, tương ứng với 401 triệu USD, giảm 27,3% về khối lượng và khoảng 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.

Tại Đồng Tháp, urê Phú Mỹ và urê của Trung Quốc được bán lẻ với giá 600.000 đồng/bao 50 kg, cao hơn 2 tuần trước 100.000 đồng/bao. Ở Bình Phước, giá urê Phú Mỹ cũng tăng lên mức khoảng 600.000 đồng/bao, cao hơn nửa tháng trước 70.000 đồng/bao.

Tại chợ Trần Xuân Soạn (TP.HCM), giá urê Phú Mỹ ngày 23.5 tăng khoảng 100 đồng/kg so với ngày hôm trước, lên 11.000 đồng/kg do một số địa phương tại khu vực Đông Nam bộ bắt đầu xuống giống vụ hè thu.

Không chỉ tăng giá đột biến mà còn khan hàng, rất nhiều đại lý cho biết giá trên là giá tạm và chưa biết sẽ tăng tới đâu vì các nguồn cung đều gần như không có hàng. Phân urê Trung Quốc trôi nổi (không có hóa đơn) trước đây giá thường thấp hơn Phú Mỹ 20.000 - 30.000 đồng/bao nhưng do khan hàng nên hiện giá tương đương nhau. Hàng khan và lượng tồn kho cũng rất mỏng.

Đại diện Nhà máy đạm Cà Mau cho biết: “Nguyên nhân gây khan hiếm là do các nhà nhập khẩu dự báo kém, hoặc do các nhà máy đạm khác xuất khẩu quá nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước”.

Một số nhà máy cho biết sẽ còn thận trọng trong việc nhập khẩu urê vì rủi ro khá cao, do đó giá urê sẽ còn tiếp tục tăng và chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Lý do khan hàng còn phải kể đến bất cập của nhà máy Đạm Cà Mau. Do ở rất xa, đường giao thông nhỏ, hàng chỉ đi 1 chiều (ô tô phải chạy không về Cà Mau để nhận hàng) nên phí vận tải tăng mạnh quá sức chịu đựng. Việc vận tải bằng đường thủy cũng trở ngại vì thiết kế của nhà máy này chỉ xuất được cho sà lan có tải trọng từ 500 T trở lên, không xuất được cho sà lan nhỏ hoặc ghe. Chính vậy mà nhiều khách hàng đã trúng thầu, chuyển tiền nhưng lượng nhận hàng cũng nhỏ giọt.

Một thông tin khác, nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 T/năm có kế hoạch sản xuất những tấn đạm đầu tiên vào đợt kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam nhưng do trục trặc hệ thống bơm nên phải hoãn lại, mặc dù nhà máy này mỗi ngày cứ vẫn phải đốt 3.300 T than.

Hà Bắc, nhà máy phân đạm có công suất 180.000 T/năm sản xuất không đủ cung cho thị trường các tỉnh phía Bắc nên chỉ ưu tiên cho các hợp đồng trước. Phú Mỹ, nhà máy sản xuất urê lớn nhất Việt Nam công suất 750.000 T/năm không đủ cho nhu cầu khi cả 3 miền đều vào vụ.

Trong lúc kim ngạch nhập khẩu phân bón quý I/2012 chỉ đạt 612.300 tấn giảm 27% về lượng và 13% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước thì kim ngạch xuất khẩu lại tăng, đạt 130,79 triệu USD gần bằng 1/2 kim ngạch nhập khẩu (264,3 triệu USD)

Dự báo giá urê trong nước sẽ tiếp tục tăng theo giá thế giới. Việc tăng chi phí sản xuất phân urê do giá dầu mỏ tăng sẽ còn tiếp tục và các nhà nhập khẩu Việt Nam vẫn theo dõi diễn biến để nhập khẩu theo kiểu nhập ít, giải phóng hàng nhanh để giảm rủi ro và lãi suất.

(TTTC)

Nguồn: Thị trường tài chính tiền tệ