Bước vào năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sự suy thoái ngày càng nặng nề của kinh tế thế giới đã thu hẹp thị trường xuất khẩu, thị trường vốn và tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của nước ta.

Trước tình hình đó, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã đề ra Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 với mục tiêu tổng quát là: Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, chủ động ngăn ngừa suy giảm, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010.

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, ngày 11/12/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và ngày 09/01/2009 ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và nhiều Nghị quyết, quyết định quan trọng khác chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009. Ngày 6/4/2009, Bộ Chính trị đã ra Kết luận về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2009 và các giải pháp chủ yếu từ nay đến cuối năm 2009. Kết luận nêu rõ, mục tiêu hàng đầu từ nay đến cuối năm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII cũng đã ra Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009.

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp và của toàn dân nên kinh tế-xã hội nước ta đang từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng. Trên cơ sở số liệu thực hiện 5 tháng và ước tính tháng 6, Tổng cục Thống kê khái quát kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2009 trên ba mặt: (1) Ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững; (2) Giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa tái lạm phát cao; (3) Bảo đảm an sinh xã hội.

Quý I/2009, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước của nước ta chỉ đạt 3,1%, bằng 41% tốc độ tăng của quý I/2008 và là quý có tốc độ tăng thấp nhất trong những năm gần đây; nhưng ước tính quý II/2009 tổng sản phẩm trong nước tăng 4,5%, bằng 79% tốc độ tăng của quý II/2008 và cao hơn tốc độ tăng của quý I/2009 là 1,4 điểm phần trăm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2009, tổng sản phẩm trong nước tăng 3,9% so với 6 tháng đầu năm 2008, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,25%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,48%; khu vực dịch vụ tăng 5,5%.

Từ diễn biến và kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng vừa qua có thể đưa ra một số nhận xét: Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng các năm trước và vẫn còn thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm (tăng 5%) nhưng trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhiều nước tăng trưởng âm mà kinh tế nước ta chỉ giảm tốc độ tăng trưởng; đây là kết quả của sự phấn đấu quyết liệt và là một thành công lớn; hai là, tốc độ tăng trong quý I chỉ đạt 3,1% đã tăng lên đạt tốc độ tăng 4,5% trong quý II cho thấy nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của sự suy giảm tốc độ tăng trưởng, chứng tỏ nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế cùng với các chính sách đề ra đã phát huy hiệu quả tích cực.

Những chuyển biến tích cực nêu trên thể hiện ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy Chính phủ đã lượng định đúng tình hình, đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn và đánh dấu sự thành công bước đầu trong chỉ đạo điều hành vĩ mô .Tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề bởi để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2009, GDP 6 tháng cuối năm phải tăng khoảng 5,9%.

Tổng cục Thống kê đưa ra 7 kiến nghị đề nghị Chính phủ đặc biệt chú trọng:

+Khẩn trương  cơ cấu lại nền kinh tế; giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý trong ngắn hạn; đồng thời chuẩn bị tiền đề cho bước phát triển với tốc độ cao và bền vững khi kinh tế trong nước và kinh tế thế giới phục hồi.

+Chủ động phòng ngừa tái lạm phát cao trong những tháng cuối năm, đi đôi với việc thực hiện các chính sách, biện pháp tài chính, tiền tệ linh hoạt, tăng cường quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng chiến lược, tập trung chỉ đạo quyết liệt các cơ sở sản xuất kin doanh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn.

+Triển khai nhanh, đúng mục đích, đúng đối tượng các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ. Đi đôi với gói kích thích kinh tế này phải đề ra các chính sách, giải pháp đủ mạnh nhằm tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là huy động nguồn vốn dân doanh và vốn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn.

+tập trung nỗ lực khai thác và phát triển thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nông thôn, đồng thời nhanh chóng hình thành hệ thống thương mại cung cấp hàng hoá, dịch vụ thông suốt, kịp thời và ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng của khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân.

+Tiếp tục thực hiện chính sách, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Cần tăng cường thực hiện xã hội hoá trong việc triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo lâu dài, đặc biệt là quyết liệt triển khai Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

+Có biện pháp kiên quyết, đủ mạnh và hiệu quả trong việc khắc phục và phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người, cây trồng và vật nuôi.

+tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, tập trung tháo gỡ vướng mắc để đưa các chương trình, chính sách và giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống và có hiệu quả cao.

 

Nguồn: Vinanet