Nỗ lực của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp nhanh và mạnh trong thời gian vừa qua như hỗ trợ lãi suất, giảm và giãn thuế… đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Sức mua trong dân bắt đầu hồi phục, áp lực đầu ra của các doanh nghiệp phần nào được giảm bớt. Trong Tháng Tư này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội và TP.HCM đều nhích lên đáng kể so với Tháng Ba. Cụ thể, CPI của Hà Nội tăng 0,13% và CPI của TP.HCM tăng 0,49%. Giá hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ Tháng Tư ước tăng 9,23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi cùng thời gian này, đồng USD tăng giá tới 11,21% so với VND hỗ trợ phần nào cho xuất khẩu.

Trong báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, tiêu thụ hàng hoá quý 1/2009, Bộ Công thương đã cảnh báo thị phần của một số thị trường bị một số công ty nước ngoài nhất là Trung Quốc, Thái Lan chiếm lĩnh. Do sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại hàng ngoại nhập giá rẻ, mức tiêu thụ nhiều sản phẩm trong nước sản xuất giảm sút mạnh như giày dép giảm 30% so với quý 1/2008.

Thống kê chưa đầy đủ từ 13 cửa khẩu giáp với Trung Quốc, 15 ngày cuối Tháng Ba, nhập khẩu từ Trung Quốc vào nội địa tăng trên 24% so với 15 ngày đầu tháng. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tập kết khoảng trên 600,000 tấn thép và phôi thép để chờ xuất sang Việt Nam.

Như vậy, doanh nghiệp phải đối mặt với một khó khăn nữa khi nhu cầu vốn đã ít ỏi nay lại phải san sẻ, giành giựt với hàng ngoại. Với tình hình suy thoái kéo dài như hiện tại, xu hướng “đẩy” hàng đi bằng mọi giá có thể diễn ra theo chiều rộng. Đó là mối nguy trước mắt bởi doanh nghiệp muốn bán được hàng buộc phải giảm giá và điều này sẽ làm cho doanh nghiệp suy yếu dần nếu không có được sự trợ lực từ chính phủ.

Chính phủ vừa tung ra gói kích cầu thứ 3 hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn. Gói kích cầu thứ nhất chủ yếu dùng hỗ trợ vốn lưu động trong ngắn hạn cho doanh nghiệp và có thể một phần đã được doanh nghiệp đảo nợ.

Liền sau đó, chính phủ tung ra gói kích cầu thứ hai hỗ trợ lãi suất trung dài hạn, gói này được đánh giá là tạo cú hích mạnh cho sản xuất. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng nhằm tái cấu trúc lại bộ máy của mình để có thể phát triển bền vững, mạnh mẽ khi kinh tế phục hồi trở lại.

Kế tiếp là gói kích cầu thứ ba hướng về thành phần nông thôn, chiếm tỉ trọng 70% dân số, giúp đảm bảo an ninh lương thực, tránh tạo sức ép lên các thành phố, đảm bảo an sinh xã hội.

Thị trường nội địa hiện tại đóng một vai trò rất quan trọng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nhu cầu sụt giảm và sự thực là các nước quá lệ thuộc vào xuất khẩu đã phải trả giá. Vì lẽ đó mà các quốc gia, kể cả Việt Nam, đều ra sức bảo hộ cho sản xuất trong nước thông qua các hàng rào mậu dịch như thuế, hạn ngạch, chống bán phá giá…

Do đã gia nhập vào WTO nên Việt Nam chủ yếu vướng phải hàng rào chống bán phá giá. Ngày 21/4/2009, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) chính thức ra quyết định khởi xướng điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng túi đựng hàng bán lẻ bằng sợi polyethylene (túi nylon) nhập từ Việt Nam, Đài Loan và Indonesia. Thép Việt Nam cũng bị Ấn Độ đưa vào diện điều tra chống bán phá giá trong danh sách gồm 24 nước bị điều tra.

Ngoài ra, kiểm định chất lượng cũng là một hàng rào đáng ngại, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam. Do vi phạm vấn đề chất lượng nên thủy sản Việt Nam vừa qua bị cấm xuất vào thị trường Nga trong 4 tháng. Vừa qua, Nga đã quyết định mở cửa nhập khẩu trở lại đối với các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam.

Khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chỉnh đốn lại quy cách làm việc, cải thiện và xóa bỏ cách làm ăn manh mún, đổi mới quy trình sản xuất và tập trung cho việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng của uy tín về chất lượng.

Giá vàng, ngoại tệ

Sau khi biên độ tỷ giá được nới lỏng +/-5%, tỷ giá tăng đụng trần chứng tỏ Việt Nam đã ghìm giữ tỷ giá và tránh phá giá đồng nội tệ. Một nghịch lý đang xảy ra, mặc dù giá USD niêm yết của các NHTM vào khoảng 17,860 đồng/USD nhưng trên thị trường tự do, giá USD vẫn tăng mạnh có lúc chạm mức 18,300 đồng/USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn găm giữ USD do e ngại khó mua lại được hoặc phải mua lại với giá cao. Điều đó lại làm cho tình hình USD thương mại căng thẳng tại các NHTM góp phần đẩy giá USD tăng cao trên thị trường tự do.

Tuy nhiên, chính phủ vẫn tỏ ra điềm tĩnh trán an rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức an toàn, đủ khả năng cung cấp ngoại tệ phục vụ nhập khẩu trong 20 tuần. Việt Nam không gặp khó khăn về dự trữ ngoại tệ, đảm bảo đủ khả năng thanh toán.

VN-Index

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần với số điểm giảm gần hết biên độ (-4.56%) cùng lượng giao dịch giảm mạnh bắt nguồn từ bên mua hé mở dấu hiệu không khả quan cho các phiên giao dịch còn lại. Đóng cửa phiên cuối tuần, VN-Index mất 24.24 điểm (-7.25%) so với cuối tuần trước khi chỉ còn 309.9 điểm. Như vậy, TTCK Việt Nam chính thức tạm dừng số tuần tăng điểm liên tiếp tại con số 6.

Chỉ số VN-Index dao động với biên độ rộng và mức thấp nhất đạt 304.75 điểm nhưng mốc 300 vẫn không bị xuyên thủng. Bên cạnh đó, lực cầu yếu hẳn so với các tuần trước nhưng lực cung cũng không phải quá mạnh nên có thể kỳ vọng VN-Index sẽ không giảm quá sâu trong thời gian tới. Ngưỡng 290 điểm có thể được test lại trong tuần tới (chỉ giao dịch 3 phiên đầu tuần) và đây là ngưỡng hỗ trợ mạnh. Tại đây, nếu VN-Index đưa ra những tín hiệu tích cực, các nhà đầu tư có thể chọn lựa mua vào các mã có tính thanh khoản cao và kết quả kinh doanh Quý 1 tốt hoặc có thông tin ấn tượng từ các dự án của các thành viên niêm yết. Tuy nhiên, nếu ngưỡng này bị test bất thành, cẩn trọng và không nên dò đáy khi chưa có thêm thông tin hỗ trợ mới.

 (Vietstock)

Nguồn: Vinanet