Sau nửa đầu năm 2008 tăng cao kỷ lục, thị trường hàng hoá đã giảm giá mạnh vào 6 tháng tiếp theo, song sang đến quý I/2009, tốc độ giảm giá đã chậm dần lại. Reuters-Jefferies CRB - chỉ số giá 19 mặt hàng chủ yếu giao dịch ở Mỹ - năng lượng, kim loại, ngũ cốc và các hàng hoá nhẹ trong quý I/2009 chỉ còn giảm 25%, sau khi đã giảm 35% trong quý IV/2008. Thời kỳ đen tối nhất của thị trường hàng hoá có thể đã qua.

Trong những tháng tới, thị trường hàng hoá sẽ có lợi từ hàng tỷ Đôla trong các gói kích thích kinh tế mới mà các chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới, từ Mỹ tới Trung Quốc, dự kiến sẽ bơm vào nền kinh tế của họ.

Chi phí tiêu dùng ở Mỹ dự báo sẽ được đẩy lên trong tháng 4 và tháng 5 tới nhờ được tăng tỷ lệ bồi hoàn thuế. Nhưng những tác động tích cực này sẽ bị giảm đi phần nào bởi đồng USD tăng giá trị, làm giảm nhu cầu đối với những mặt hàng được giao dịch bằng đồng USD. Bên cạnh đó, nếu tình hình thất nghiệp trở nên tệ hơn - vốn đã ở mức cao kỷ lục – quá trình hồi phục chi phí tiêu dùng ở Mỹ cũng sẽ trở nên phức tạp hơn.

Tình trạng thất nghiệp ở Mỹ rất quan trọng với kinh tế toàn cầu lúc này. Đây chính là lý do khiến cho các nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ năm nay cùng lắm cũng chỉ đạt mức ổn định so với năm ngoái, chứ không thể có tăng trưởng.

Về mặt hàng dầu thô, các nhà phân tích đều có chung nhận định rằng mức giá trung bình trong quý II năm nay sẽ là trên 47 USD/thùng. Kết thúc năm 2008, dầu thô chốt ở mức giá 44,60 USD/thùng, và sau nhiều thăng trầm, hiện mặt hàng này đang ở dưới mức 50 USD/thùng.

Ngân hàng đầu tư Barclays Capital, một trong những ngân hàng kinh doanh hàng hoá lớn nhất thế giới, cho biết dự trữ khí thiên nhiên hiện cao hơn nhiều so với nhu cầu nên giá mặt hàng này sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm 2009. BarCap dự báo giá khí gas sẽ chỉ hồi phục nhẹ vào năm 2010-2011. Giá khí gas tại Mỹ hiện ở mức 3,75 USD/mmBtu, giảm khoảng 35% so với quý trước.

Về kim loai cơ bản, BarCap dự báo giá đồng kỳ hạn 3 tháng tại Sở giao dịch Hàng hoá London (LME) sẽ tăng lên 4.200 USD/tấn trong quý II năm nay, so với mức 3.382 USD/tấn của quý I, song giá nickel kỳ hạn 3 tháng sẽ giảm xuống 1.000 USD/tấn, so với 1.100 USD/tấn.

Vàng có thể sẽ giảm xuống dưới mức 950 USD/ounce trong mấy tháng tới nếu áp lực lạm phá không gia tăng. Theo Pradeep Unni, nhà phân tích về kim loại quý của hãng Dubai's Richcomm Global Services, chưa thể đoán chắc xu hướng ngắn hạn của mặt hàng này bởi nó có thể phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ giá tiền tệ. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 tại Mỹ hiện vào khoảng 920 USD/ounce, tăng so với mức 886,20 USD/ounce lúc kết thúc quý IV/2008, song giảm nhiều so với kỷ lục trên 1000 USD/ounce của năm nay.

Về nông sản, các nhà phân tích dự báo giá ngô và đậu tương sẽ tăng lên do diện tích gieo trồng giảm, còn giá lúa mì sẽ giảm bởi dự trữ tăng.

Vic Lespinasse thuộc hãng phân tích GrainAnalyst.com dự báo giá đậu tương Mỹ sẽ đạt 12 USD/bushel trong tương lai gần, dao động trong khoảng +/- 4 USD/ounce. Hiện đậu tương Mỹ đang được giao dịch ở mức khoảng 9 USD/bushel.

Ông Lespinasse dự báo giá ngô sẽ tăng lên 5 USD/bushel, với khoảng dao động là +/- 2 USD. Ngô kỳ hạn tháng 5 hiện đang ở quanh mức 3,85 USD/ounce.

Về lúa mì, ông dự báo giá gần hạn sẽ giảm xuống 4,50 USD/bushel, với khoảng dao động cũng là +/-2 USD. Lúa mì kỳ hạn tháng 5 hiện đang ở mức khoảng 5 USD/bushel.

Nguồn: Vinanet