Hòn đảo này làm ra 80% sản lượng máy tính xách tay và 40% màn hình tinh thể lỏng của toàn thế giới. Hàng điện tử chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan.
Do người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu giảm mua máy tính xách tay và máy ảnh kỹ thuật số, nhiều công ty Đài Loan lập tức rơi vào khó khăn. Tính đến cuối tháng 12-2008, xuất khẩu của Đài Loan giảm 41,9% so với năm trước, riêng hàng điện tử giảm 43,4%, một kỷ lục chưa từng thấy.
Các công ty Đài Loan thiết kế những linh kiện như chip điện tử dùng trong máy vi tính, sản xuất những linh kiện này tại các nhà máy tại Đài Loan hoặc các nhà máy do Đài Loan đầu tư trên đất Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty Đài Loan cũng đảm nhiệm việc gia công, lắp ráp linh kiện thành sản phẩm điện tử hoàn chỉnh để đưa ra thị trường dưới thương hiệu của các tập đoàn Mỹ, Nhật Bản. Đằng sau các tập đoàn điện tử quốc tế bao giờ cũng thấp thoáng bóng dáng các doanh nghiệp công nghệ cao Đài Loan.
Đầu tàu thúc đẩy các hoạt động đó là Công viên khoa học Hsinchu, được thành lập năm 1980, nơi sinh ra những công ty bản xứ khổng lồ như tập đoàn Hồng Hải (Hon Hai, Foxconn) - tập đoàn gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới, sản xuất máy nghe nhạc iPod cho hãng Apple và máy tính xách tay cho hãng Dell. Nhưng theo ông Tu Chi-hsiang, Phó tổng giám đốc Công viên khoa học, đến cuối năm ngoái đã có 4.400 trong tổng số 130.000 nhân viên làm việc cho các doanh nghiệp trong công viên bị mất việc; hơn 50 trong số 400 công ty phải cho khoảng 60%-70% nhân viên nghỉ không hưởng lương. Ngay cả tập đoàn khổng lồ Taiwan Semiconductor Manufacturing – tập đoàn gia công chip điện tử lớn nhất thế giới, cũng công bố thu hẹp sản xuất lần đầu tiên trong 18 năm qua.
Nhưng khác với thời kỳ sụp đổ các công ty dot-com đầu thập niên này, khi tình trạng mất việc diễn ra từ từ, lần này tình hình sa sút rất đột ngột; trong chớp mắt số đơn hàng giảm một nửa, khiến các công ty rất lo âu cho tương lai của mình.
Đến cuối tháng 12-2008, tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan là 5,03% - cao nhất trong bốn “con hổ” châu Á (Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore), và đang tăng lên rất nhanh. Đáng lo hơn nữa là ngành điện tử Đài Loan cung cấp việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn công nhân ở Trung Quốc và nhiều nước khác; cho nên khi sản xuất bị thu hẹp, những công nhân này sẽ là những người đầu tiên phải ra đi.
Ông Terry Gou, Chủ tịch đại công ty Hon Hai, cho biết tập đoàn buộc phải giảm 5%-10% lực lượng lao động, mà hiện đã lên tới 550.000 người, trong đó có 400.000 công nhân Trung Quốc.
Cũng như ngành xe hơi của Mỹ, ngành điện tử Đài Loan đang trông chờ sự cứu nguy của nhà cần quyền. Riêng các công ty sản xuất chip nhớ DRAM dùng trong máy vi tính và máy ảnh kỹ thuật số hiện đã mắc nợ khoảng 420 tỉ Đài tệ, các công ty sản xuất màn hình tinh thể lỏng còn nợ nhiều hơn nữa. Nếu nhà cầm quyền Đài Loan không cứu, nhiều doanh nghiệp điện tử lớn sẽ bị phá sản.
Tuy nhiên, có lẽ lúc khó khăn này chính là cơ hội để ngành công nghệ cao Đài Loan đổi mới mình.
Từ trước đến nay, các công ty Đài Loan chỉ chuyên gia công cho các “ông lớn” như Apple, Dell, Toshiba, Nintendo ..., chỉ vài công ty có thương hiệu. Phần lợi nhuận béo bở thường về tay các “ông lớn”, trong lúc nhà sản xuất, gia công Đài Loan chỉ được hưởng phần "xương xẩu". Giờ là lúc các doanh nghiệp Đài Loan tập trung xây dựng thương hiệu riêng, đẩy mạnh các hoạt động thiết kế, đóng gói, tiếp thị và phân phối sản phẩm ra thị trường quốc tế để có được tỷ suất lợi nhuận cao hơn, theo gương của các công ty đi trước như Acer, Asus.
 

Nguồn: Vinanet