Đến năm 2010 đáp ứng 60% nhu cầu trong nước về các loại thiết bị đường dây điện và trạm biến áp, nâng dần tỉ lệ này lên trên 70% vào năm 2015. Đến năm 2015 đáp ứng 55% nhu cầu trong nước về các loại động cơ điện và một số chủng loại máy phát điện thông dụng;
Đến năm 2015 ngành sản xuất thiết bị điện Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghệ sản xuất máy biến thế, động cơ điện máy phát điện, khí cụ điện trung và cao thế, dây và cáp điện phục vụ trong nước và xuất khẩu; Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến đạt 18%/năm vào giai đoạn 2011-2015, đạt 15%/năm vào giai đoạn 2016-2025; Đến năm 2025, Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng trọn bộ thiết bị điện trong các công trình đường dây điện và trạm biến áp.
Về định hướng phát triển: Đầu tư mới, đầu tư chiều sâu với công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất các sản phẩm đang có thế mạnh, nâng cao năng lực chế tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm của các doanh nghiệp; Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu có hiệu quả kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu ra khu vực và thế giới.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành. Đa dạng hoá phương thức đầu tư trong hợp tác nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ; Liên doanh, liên kết sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; Chú trọng công tác nghiên cứu, thiết kế, ché tạo các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao; Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các ngành và các lĩnh vực liên quan, khai thác tối đa năng lực của các ngành hỗ trợ trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các hệ thống thiết bị phục vụ ngành điện.
Quy hoạch phát triển sản phẩm:
Nhóm máy điện tĩnh: Tập trung ưu tiên phát triển sản xuất máy biến thế khô cấp trung thế và máy biến thế truyền tải cấp 110 KV, 220 KV, khuyến khích đầu tư sản xuất thiết bị chỉnh lưu công nghiệp; Trước mắt đầu tư chiều sâu và mở rộng sản xuất của các cơ sở hiện có để nâng cao năng lực sản xuất các loại máy biến thế đến 250 MVA, điện áp 220 KV.
Nghiên cứu tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất máy biến thế khô phục vụ chủ trương ngầm hoá lưới điện ở các khu vực đô thị; hoàn thành xây dựng Trung tâm thí nghiệm cao áp ở hai vùng trọng điểm sản xuất máy biến thế là Hà Nội và TPHCM trước năm 2010; Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn chung của Việt Nam cho các loại máy biến thế, làm cơ sở cho việc đánh giá và công nhận lẫn nhau giữa các đơn vị kiểm nghiệm và thí nghiệm trên toàn quốc.
Kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất các loại máy biến thế truyền tải, máy biến thế chuyên dụng, thiết bị chỉnh lưu công nghiệp, cung ứng cho các ngành sản xuất thiết bị công nghiệp; Đến năm 2015, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước về máy biến thế phân phối với tiêu chuẩn chất lượng thống nhất trên cả nước, phấn đấu đáp ứng 50-60% nhu cầu đối với máy biến thế 110kv-220kv, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30-35% giá trị sản xuất của nhóm ngành.
Nhóm máy điện quay: Chú trọng phát triển sản xuất các loại động cơ công suất lớn, động cơ cao áp cho các thiết bị chế biến ngành công nghiệp và các loại máy phát thuỷ điện công suất đến 50 MW, khuyến khích đầu tư sản xuất các loại máy phát điện khai thác nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, địa nhiệt, khí sinh học…); Đầu tư mở rộng và hiện đại hoá các dây chuyền sản xuất động cơ điện hiện có; Đầu tư các dây chuyền công nghệ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực để sản xuất các loại động cơ điện công suất lớn, động cơ đặc biệt như động cơ phanh từ, động cơ phòng nổ, hiệu suất cao;
Lắp ráp, nâng dần tỉ lệ nội địa hoá các loại máy phát điện dân dụng và công nghiệp, các loại máy phát thuỷ điện, máy phát điện gió… tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo máy phát thuỷ điện công suất đến 50 MW phục vụ các dự án thuỷ điện; Đến 2015, đảm bảo 55-65% nhu cầu trong nước về các loại động cơ và khoảng 50% nhu cầu trong nước về một số chủng loại máy phát điện công suất 1kw-10kw, giá trị xuất khẩu đạt 35040% giá trị sản xuất của nhóm ngành.
Nhóm khí cụ điện: Ưu tiên đầu tư, phát triển sản xuất các loại công tơ điện tử, khuyến khích đầu tư sản xuất các loại khí cụ điện cấp cao thế, các hệ thống đo đếm, giám sát thông minh, an toàn lưới điện; Đầu tư mới, đầu tư mở rộng, nâng công suất của các doanh nghiệp sản xuất công tơ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung sản xuất các loại công tơ điện tử; Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất các loại khí cụ điện cấp trung và cao thế, theo tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở phát huy nội lực trong nước và tận dụng nguồn đầu tư nước ngoài.
Khai thác có hiệu quả phương thức nhượng quyền thương mại, từng bước tạo lập thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các tủ, bảng điện và trọn bộ thiết bị trạm điện cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đến năm 2015, đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước về các loại khí cụ điện, giá trị xuất khẩu đạt 19-20% giá trị sản xuất của nhóm ngành.
Nhóm dây và cáp điện: Ưu tiên phát triển sản xuất các loại cáp điện có đặc tính kháng nước, chống thấm dọc, chống cháy, phù hợp cho môi trường nhiệt đới phục vụ hạ ngầm lưới điện đô thị hoặc cung ứng cho các dự án nhà cao tầng…, khuyến khích sản xuất các loại dây, cáp điện dân dụng chất lượng cao (thân thiện môi trường, không chứa chì), các loại dây và cáp điện lực có tiềm năng phát triển xuất khẩu; Mở rộng, nâng công suất các dây chuyền sản xuất hiện có theo hướng nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng sản phẩm;
Triển khai sản xuất, khai thác triệt để năng lực các dây chuyền sản xuất các loại cáp bọc trung thế và cao thế để đáp ứng nhu cầu “ngầm hoá” hệ thống điện trong các thành phố, thị xã và khu công nghiệp; Đầu tư sản xuất quy mô lớn các loại dây và cáp điện thông dụng, phục vụ dân dụng, công nghiệp chế tạo máy móc thiết bị, hệ thống điện xí nghiệp, chung cư, các loại cáp dùng cho hầm mỏ, các loại cáp tàu biển.
Nhóm thiết bị điện khác: Tập trung khuyến khích phát triển sản xuất các phụ kiện đường dây, đặc biệt là phụ kiện cho đường dây cao thế đến 220 KV, phục vụ cho chương trình phát triển lưới điện quốc gia, khuyến khích nghiên cứu để nội địa hoá từng phần các thiết bị điện cho các nhà máy điện, hệ thống khai táhc năng lượng tái tạo; Đầu tư mở rộng, nâng công suất và chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất phụ kiện đường dây. Đầu tư mới có chọn lọc, đảm bảo tính kinh tế các công nghệ sản xuất phụ kiện đường dây thay thế nhập khẩu.
Kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất các phụ kiện trước và sau sứ cách điện trên đường dây; Đầu tư mở rộng, đầu tư mới nhà máy chuyên sản xuất các phụ kiện tiêu chuẩn cho động cơ điện, máy phát điện đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Đầu tư nhà máy sản xuất các phụ kiện điện phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu đang phát triển mạnh;
Đầu tư phát triển và tham gia sản xuất, cung cấp một số thiết bị cho nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện phục vụ thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2007; Tiếp cận công nghệ chế tạo thiết bị cơ điện cho các nhà máy điện công suất đến 500 MW đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Về vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành sản xuất thiết bị điện trong giai đoạn 2006-2010 ước tính khoảng 43 nghìn tỉ đồng, trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 136 nghìn tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là trong nước, kết hợp huy động từ các nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi (đối với các sản phẩm ưu tiên và khuyến khích phát triển), vốn vay thương mại, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình, ngoài ra cần kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Vinanet