Tại châu Âu:
Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu đã tăng lên trong vài tháng gần đây do tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục suy giảm do tác động từ khủng hoảng tài chính.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng Euro đã tăng lên mức 8,9% trong tháng 3, so với con số 8,7% trong tháng trước đó và 7,2% cùng kỳ năm 2008. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp tại đây tăng lên không ngừng. Điều này cho thấy, nền kinh tế của nhóm quốc gia này vẫn suy giảm.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp chung của Liên minh châu Âu gồm 27 nước thành viên, đứng ở mức 8,3%, tăng hơn so với 8,1% trong tháng trước đó và cao hơn nhiều so với con số 6,7% cùng kỳ năm ngoái.
Hà Lan là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, đứng ở mức 2,8%. Trong khi con số này ở Đức là 7,6%, còn Pháp thì tăng từ 8,6% lên 8,8%.
Eurostat dự tính, hơn 20 triệu người thuộc các nước thành viên Liên minh châu Âu bị mất việc tính tới tháng 3, trong đó hơn 14 triệu người thuộc khu vực đồng Euro.
Tại Mỹ:
Theo Bộ Lao động Mỹ, số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh hơn dự đoán do tác động từ vụ phá sản của Tập đoàn sản xuất ô tô lớn thứ ba tại Mỹ Chrysler.
Trong tuần đầu tiên của tháng 5 (tính đến ngày 9/5), số lượng người yêu cầu chính phủ trợ cấp thất nghiệp tăng thêm 32.000 người, đưa tổng số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ lên hơn 6,5 triệu.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao sẽ hạn chế chi tiêu của người dân. Đây là một trở ngại trong tiến trình hồi phục của nền kinh tế của Mỹ. Theo thống kê của Chính phủ, doanh thu bán lẻ tại Mỹ đã giảm 0,4% trong tháng 4.
Tại Đông Á Thái Bình Dương:
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đông Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, tăng lên nhanh chóng kể từ đầu cuộc khủng hoảng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng số liệu chỉ phản ánh một phần nhỏ bức tranh kinh tế ảm đạm.
Tháng 1 năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực Đông Á Thái Bình Dương chỉ là 1 triệu người, nhưng đã tăng nhanh chóng lên 23,6 triệu. Tính đến cuối năm 2008, số lượng người thất nghiệp tại Việt Nam là 0,4 triệu người, Thái Lan là 0,5 triệu, Trung Quốc là 8,9 triệu.
Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh chính xác tính nguy cấp của nền kinh tế, do nhiều nước trong khu vực không có hệ thống quản lý trợ cấp thất nghiệp. Tại các quốc gia đang phát triển tại Đông Á, số lượng những người không có việc làm chỉ là thống kê không đầy đủ và con số thực tế có thể gấp đôi. Tuy thống kê cho thấy Đông Á Thái Bình Dương có 23,6 triệu người thất nghiệp, nhưng chỉ tính riêng Trung Quốc cho đến nay có thêm 25 triệu lao động di cư bị sa thải.
Ôxtrâylia:
Viện KPMG Econtech  cho biết hơn 43.000 lao động có tay nghề tại Ôxtrâylia đã gia nhập danh sách thất nghiệp đang ngày càng tăng trong những tháng đầu năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động lành nghề đã tăng 48,2% vào đầu tháng 3/09, mức "tồi tệ" nhất kể từ năm 2001, do khủng hoảng kinh tế làm giảm nhu cầu thương mại toàn cầu và làm giảm đáng kể nhu cầu tuyển dụng trong các ngành nghề từng coi là có nhu cầu tuyển dụng cao trước những áp lực cắt giảm chi phí hoạt động.
Trong nửa quý đầu năm 2009, điểm số cơ bản về tỷ lệ thất nghiệp (với mức trung bình 100) đã giảm từ 102,5 xuống còn 100,4% điểm (theo số liệu thất nghiệp của chính phủ đưa ra kể từ năm 2001).
Anh:
Theo những con số thông kê chính thức được công bố, số người thất nghiệp đã tăng vọt thêm 250.000 lên thành 2,2 triệu, cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Thu nhập trung bình bao gồm cả tiền thưởng cũng ghi nhận lần sụt giảm đầu tiên khi mà các công nhân của thành thị không còn được hưởng vận may mà họ có được hồi những năm kinh tế thăng hoa, làm dấy lên nỗi lo sợ về giảm phát.
Các số liệu được công bố hôm nay cho thấy số người không có việc làm của cả quý ở mức cao nhất kể từ năm 1981-với 244.000 người thất nghiệp.
Tổng số người thất nghiệp tại Anh quốc hiện nay là 2.215.000 người, con số tồi tệ nhất kể từ năm 1996.Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay là 7,1%, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thất nghiệp hàng loạt gia tăng chỉ ra rằng việc làm là điều xa xỉ trong cuộc suy thoái của các ngân hàng này.
Nga:
Số người thất nghiệp đăng ký chính thức ở Nga đã lên tới 2,2 triệu người. Vấn đề việc làm và đối phó với tình trạng thất nghiệp đang được xem là trọng điểm của Nga.
 Số người thất nghiệp đăng ký là gần 2,2 triệu người và tình trạng thất nghiệp thực tế đang tăng với tốc độ chóng mặt.
Nỗi lo ngại thất nghiệp và đời sống giảm sút có thể gây ra bất ổn xã hội trong nước. Nạn thất nghiệp trở thành cơn ác mộng đối với điện Kremlin trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tại Nhật Bản:
 Tỷ lệ thất nghiệp Nhật Bản tăng lên cao nhất trong vòng 4 năm, gia tăng dấu hiệu cho thấy cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II này sẽ gây áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng, bộ phận lớn nhất của nền kinh tế.
Thất nghiệp tháng ba tăng lên 4,8% từ mức 4,4% của tháng hai, cơ quan thống kê nước này hôm nay cho biết. Theo Bộ Lao động Nhật Bản, xác xuất thành công của mỗi người xin việc đã giảm từ 0,59 xuống 0,52. Thủ tướng Nhật Taro Aso tháng này đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 15.4 tỷ yên nhằm tạo thêm 500.000 việc làm.
Trong những tuần gần đây đã có dấu hiệu cho thấy đà suy thoái của Nhật đang chậm lại với công bố của Ngân hàng Nhật Bản, rằng kinh tế có thể bắt đầu hồi phục trong nửa sau năm tài khóa 2009.
 
 
 

Nguồn: Vinanet