Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 đã chính thức rẽ sang bước ngoặc mới, vượt qua được “cửa ải” quan trọng là mốc mở đầu năm nay. Đòn bẩy chính cho thị trường là nhờ giới đầu tư tin tưởng rằng các ngân hàng có thể tự xoay xở được số vốn đang bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, các số liệu về nhà ở đã gia tăng kỳ vọng rằng suy thoái đang dịu lại.
Cổ phiếu khối ngân hàng tăng mạnh mẽ nhất  trong phiên khi C.N Citigroup bật cao đến 7.7%, lên 3.20 USD/cp. Cổ phiếu BAC.N của Bank of America tăng đột biến 19.3% lên mốc 10.38 USD/cp. Cổ phiếu WFC.N của Wells Fargo cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 23.7%, lên 24.25 USD/cp. Không chịu thua, cổ phiếu JPM.N của JPMorgan kiếm thêm cho mình 10.2% lên 35.79 USD/cp.
Hiện S&P 500 đang tăng 34% so với mức đóng cửa thấp ngày 9/3. Chỉ số ngân hàng KBW.BKX cũng nhảy vọt tới 15% và hiện đang tăng 88% so với mức hồi đầu Tháng 3. Vào thời điểm đó, mọi người cho rằng Chính phủ Mỹ sắp sửa tiến hành quốc hữu hóa một số ngân hàng lớn.
Một số báo cáo cho thấy các bảng cân đối kế toán ngân hàng cần ít sự hậu thuẫn hơn so với sự lo sợ chỉ cách đây vài tháng. Thêm vào đó, Nhà Trắng cho biết, ngay lúc này Chính quyền của Tổng thống Obama không cần phải xin Quốc hội thêm tiền giải cứu. Sự kết hợp giữa 2 thông tin này cũng đẩy cổ phiếu trong ngành lên cao hơn.
Chỉ số Dow Jones .DJI ngày càng rời xa mốc 8,000 khi đóng cửa ngày giao dịch với mức tăng mạnh 214.33 điểm, tương đương 2.61%, lên 8,426.74 điểm. Chỉ số Standard & Poor's 500.SPX lần đầu tiên vượt qua mốc 900 điểm kể từ đầu Tháng 1 năm nay khi tăng vọt 29.72 điểm, bằng với 3.39%, lên 907.24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite .IXIC cũng không chịu thua khi giành thêm 44.36 điểm, tức 2.58%, lên 1,763.56 điểm.
Tính đến thời điểm này, S&P 500 đã đạt được mức tăng điểm trong năm 2009 nhưng vẫn còn thấp hơn 42% so với mức cao kỷ lục của Tháng 10/2007.
Trong lĩnh vực kinh tế, các số liệu mới đã làm giới đầu tư ngày càng tin tưởng suy thoái đã dịu lại. Theo đó, doanh số nhà đã qua sử dụng chờ bán trong Tháng 3 bất ngờ tăng cao, giúp cổ phiếu trong ngành xây dựng cũng có phiên tăng mạnh.
Cụ thể, cổ phiếu LEN.N của Lennar nhảy vọt 9.3%, lên 10.34 USD/cp. Cổ phiếu TOL.N của Toll Brothers có thêm 6.5%, lên 20.73 USD/cp. Cổ phiếu DHI.N của cộng thêm 9.1% lên 13.49 USD/cp.
Nhờ đó, chỉ số Dow Jones xây dựng nhà .DJUSHB cũng tăng đột biến 9%.
Bất kỳ thông tin nào cho thấy ngành ngân hàng đang càng ngày ổn định trở lại sẽ tác động hết sức tích cực đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán do các nhà chức trách cho biết hệ thống tài chính khỏe mạnh sẽ làm hồi sinh nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái. Chính phủ đã tiến hành kiểm tra năng lực tài chính của 19 ngân hàng hàng đầu để đảm bảo rằng họ có đủ vốn để chống chọi với suy thoái.
Tại châu Âu,  chứng khoán  hồi phục ấn tượng, tích lũy thêm vào số điểm tăng kỷ lục của Tháng Tư nhờ sự đi lên của cổ phiếu khối năng lượng và kỹ thuật công nghiệp. Thêm vào đó, các số liệu kinh tế cho thấy tình trạng suy thoái có thể đang lắng dịu.
Chỉ số FTSEurofirst 300 .FTEU3 tăng 1.6%, đóng cửa tại 842.70 điểm, là mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/1.
Cổ phiếu FIA.MI của Tập đoàn sản xuất ô tô Fiat (Ý) tăng mạnh 8.1% sau khi hãng này có kế hoạch nuốt chửng chi nhánh châu Âu của General Motors, đặc biệt là kế hoạch thôn tính chi nhánh Opel tại Đức để hình thành một Tập đoàn ô tô châu Âu niêm yết.
Chỉ số ngành dầu khí. SXEP nằm trong top các chỉ số chính tăng điểm ở Châu Âu. Được biết trong Tháng Tư, chỉ số này đã tăng13% đánh dấu tháng giao dịch tốt nhất từ trước đến nay.
Cổ phiếu khối năng lượng cũng có phiên giao dịch thăng hoa. Theo đó, cổ phiếu của Tập đoàn dầu khí Galp Energia (GALP.LS) nhảy vọt 9.1%, cổ phiếu của Lundin Petroleum (LUPE.ST) nhận thêm 6.1%, cổ phiếu của StatoilHydro STL.L tiến 5.4 % và cổ phiếu của ENI (ENI.MI) tăng thêm 2.9%. Giá dầu thô CLc1 đã tăng 1.2% để xác lập mốc 54 USD/thùng.
Cổ phiếu của Tập đoàn chở dầu lớn nhất thế giới Frontline cũng (FRO.OL) nhảy vọt hơn 25%.
Các hoạt động sản xuất trong Tháng Tư của Trung Quốc và Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng lạc quan, cùng với tốc độ sụt giảm chậm nhất trong vòng 6 tháng của khu vực sử dụng đồng tiền chung EUR đã gia tăng kỳ vọng rằng thời kỳ khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 6 thập kỷ qua có thể đã chạm đáy. 
Cùng lúc, doanh số nhà đã qua sử dụng chờ bán trong Tháng Ba của Mỹ bất ngờ tăng vọt.
Tuy nhiên, trái ngược với các thông tin tích cực trên, Ủy ban Châu Âu dự báo nền kinh tế của 16 quốc gia sử dụng đồng tiền chung EUR sẽ giảm 4% trong năm nay và giảm thêm 0.1% vào năm 2010, bất chấp các tín hiệu lạc quan trong mấy ngày gần đây. 
Bên cạnh đó, các chiến lược gia thị trường nhận định, việc thị trường phục hồi gần đây, đặc biệt là chỉ số FTSEurofirst 300 nhảy vọt đến hơn 30% so với mức thấp được xác lập ngày 9/3, sẽ nhanh chóng bị chững lại
Thị trường tài chính vẫn đang trông chờ vào kết quả kiểm tra sức khỏe 19 ngân hàng lớn nhất của Chính phủ Mỹ sẽ được công bố vào Thứ Năm này.
Chỉ số ngân hàng KBW.BKX đã tăng 5.5% sau khi giới phân tích cho biết cuộc kiểm tra sức khỏe lần này cho thấy các ngân hàng sẽ cần bơm vốn ít hơn so với nỗi lo trước đó.
Đón tin vui từ thị trường Mỹ, cổ phiếu các ngân hàng tại Châu Âu đồng loạt khởi sắc. Theo đó, Bank of Ireland (BKIR.I) nhảy vọt 18%, Erste Bank (ERST.VI) nhận thêm 9.7%, BNP Paribas (BNPP.PA) cộng thêm 3.9% và Danske Bank (DANSKE.CO) tăng 3.1%.
Chỉ số ngân hàng Châu Âu DJ Stoxx .SX7P đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày10/12. Chỉ số này đã tăng 95% so với ngày 9/3. Tuy nhiên, theo các chiến lược gia của ngân hàng Deutsche Bank, sự hồi phục này không chắc sẽ bền vững.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số DAX của Đức tăng 133.00 điểm, tức 2.79%, lên mốc 4,902.45 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp nhận thêm 78.12 điểm, tương đương 2.47%, đóng cửa tại 3,237.97 điểm.
Tại châu Á, được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ những dấu hiệu lạc quan của hai nền kinh tế đầu tàu Mỹ và Trung Quốc nên một loạt các thị trường Châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Ấn Độ đều tăng vọt ít nhất 5%.
Giới đầu tư hân hoan trước kết quả của cuộc khảo sát cho thấy sức mua tại các doanh nghiệp Trung Quốc trong tháng Tư tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Hoạt động sản xuất ở Mỹ trong tháng qua cũng đạt mức tăng nhiều nhất kể từ Tháng 9/2008. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ - thị trường xuất khẩu quan trọng của Châu Á – có thể đang dần ổn định trở lại.
Francis Lun, Tổng Giám đốc của Công ty Chứng khoán Fulbright ở Hồng Kông cho biết: “Đã xuất hiện những dấu hiệu đầy lạc quan cho thấy Mỹ đã xua tan đi bóng đen của khủng hoảng tài chính.
Kết thúc phiên, chỉ số Hang Seng .HSI của Hồng Kông tăng vọt 860.06 điểm, tương đương 5.5%, lên 16,381.05 điểm. Chỉ số Sensex của Ấn Độ bật cao hơn 6% trong phiên giao dịch buổi chiều. Chỉ số Straits Times của Singapore cũng “phi nước đại” 5.6%.
Tiếp theo đà tăng mạnh trong tuần trước, chứng khoán Đài Loan cũng thăng hoa nhờ sự cải thiện trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Được biết Chính phủ nước này đã chấp nhận cho các nhà đầu tư tổ chức Trung Quốc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thỏa thuận trên không áp dụng đối với các nhà đầu tư cá nhân.
Theo đó, chỉ số Taiex tăng vọt 5.6% lên 6,330.40 điểm. Các cổ phiếu tài chính và điện tử dẫn dắt thị trường tăng điểm. Tiêu biểu, cổ phiếu của Cathay Financial Holdings tăng mạnh 6.9%.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng mạnh 3.3%, lên 2,559.91 điểm.  Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tăng 2.1% lên mức 1,397.92 điểm, mức đóng cửa cao nhất trong năm nay nhờ sự tăng mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng.
Sự leo thang của giá cả hàng hóa đã kéo theo cổ phiếu khối tài nguyên đi lên trong phiên và giúp chỉ số S&P/ASX của Úc tăng mạnh 3%. Cổ phiếu của đại gia khai mỏ trên thế giới BHP Billiton tăng 2.5%, cổ phiếu của Rio Tinto nhảy vọt 4.9%.
Richard Herring, Giám đốc Công ty Burrell Stockbroking tại Brisbane, Úc cho biết: “Có lẽ thị trường đã chuyển hướng. Cách đây vài tháng, người ta chỉ quan tâm đến các tin xấu, còn hiện nay, họ quan tâm nhiều đến các tin tức tích cực hơn.”
Từ Thứ Hai đến Thứ Tư tuần này, các thị trường tài chính Nhật Bản tạm ngừng giao dịch nhân “Tuần lễ vàng” của quốc gia.
Thị trường chứng khoán Đài Loan có phiên nhảy vọt ấn tượng nhờ việc ký kết thỏa thuận hợp tác tài chính với Trung Quốc vào tuần trước, mở đường cho các ngân hàng hai nước lập các chi nhánh trên vùng lãnh thổ của nhau.
 

Nguồn: Vinanet