Như vậy, chỉ số VN-Index đã không thể vượt qua được mức cản 440 điểm mà các nhà đầu tư đã kỳ vọng. Trong số các phiên giảm điểm của thị trường, mặc dù đại đa số các mã cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, một đặc điểm dễ nhận thấy đó là sự suy giảm của thị trường là có giới hạn với áp lực bán ra không quá lớn để tạo ảnh hưởng gây quan ngại đến tâm lý của giới đầu tư như đã diễn ra trong các tuần điều chỉnh trước đây.

Qua diễn biến trong các phiên giao dịch, có thể nhận thấy áp lực bán ra lẫn nhu cầu mua vào của giới đầu tư trong tuần đều ở không thực sự ở mức quá mạnh. Động thái của thị trường nhiều khả năng cho thấy tâm lý quan ngại và thận trọng của giới đầu tư trong việc quyết định về khả năng gia nhập thị trường ở thời điểm hiện tại. Có vẻ như nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn vị thế nắm giữ tiền mặt và quan sát hơn là tham gia vào thị trường trong những phiên giao dịch gần đây. Chính vì vậy, tính thanh khoản của thị trường tiếp tục sụt giảm khi mà khối lượng giao dịch bình quân tại sàn HOSE trong tuần chỉ đạt 25.6 triệu đơn vị/phiên giao dịch, giảm 17.4% so với mức bình quân 31 triệu đơn vị của tuần lễ trước đó.

Sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần qua trên sàn HOSE là sự xuất hiện của Vietinbank với mã chứng khoán CTG trong phiên giao dịch ngày kể từ phiên giao dịch ngày 16/07 với hơn 121 triệu cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, chỉ sau 2 phiên giao dịch, CTG đã giảm 11,900 đồng (23.8%) so với giá tham chiếu 50.000 đồng khi đóng cửa còn 38,100 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu CTG vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư khi đã có tới 3,404,380 cổ phiếu được chuyển nhượng thành công. Với sự có mặt của cổ phiếu CTG, sàn HOSE giờ đây đã có 167 mã chứng khoán niêm yết. Tuy nhiên, chỉ có 27 mã tăng giá trong tuần qua, trong khi có tới 129 mã giảm giá và 11 mã đứng giá tham chiếu.

Trong số ít các mã tăng giá, chỉ có một số cổ phiếu lớn như: VNM, FPT, ITA, VSH, VIC, NKD. Mặc dù dẫn đầu thị trường về mức giá giảm trong phiên cuối tuần khi mất đi 6,000 đồng/cp nhưng VNM vẫn giữ được vị thế là mã dẫn đầu thị trường về mức tăng giá trong số 27 mã may mắn tăng giá. Ở chiều hướng ngược lại, cổ phiếu mất đi giá trị lớn nhất trong tuần qua là HAS với mức sụt giảm 7,700 đồng/cổ phiếu.

Cùng chung kịch bản với sàn HOSE, tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng đã trải qua 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng điểm, kết thúc tuần lễ giao dịch ở mức 144.17 điểm (tương đương 1.46%) so với mức 146.3 điểm đạt được trong tuần lễ trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân tại sàn Hà Nội cũng giảm xuống mức 12,4 triệu đơn vị/phiên giao dịch, giảm 10.8% so với mức bình quân 13.91 triệu đơn vị đạt được trong tuần trước đó.

Mã cổ phiếu tăng giá hàng đầu tại sàn Hà Nội là DTC với mức tăng 4,600 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, RCL đã trở thành mã cổ phiếu có mức giảm lớn nhất ở mức 10,000 đồng/cổ phiếu trong tuần qua.

Về động thái giao dịch của khối ngoại, tại sàn HOSE, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào tổng cộng hơn 13 triệu đơn vị (với giá trị hơn 651 tỷ đồng), trong khi đó chỉ bán ra khoảng 8 triệu đơn vị (với giá trị xấp xỉ 348 tỷ đồng). Như vậy, xét về mặt tổng quan, trong tuần qua, khối ngoại đã mua tiếp tục duy trì xu thế mua ròng của tuần lễ trước đó với lượng mua ròng vào khoảng 5 triệu đơn vị (với tổng trị giá đạt khoảng 303 tỷ đồng).

Tổng qua mà nói, động thái của thị trường trong tuần qua dường như đã cho thấy một số lượng nhà đầu tư đã rút ra khỏi thị trường và tạo lập vị thế nắm giữ tiền mặt, khiến cho khối lượng giao dịch sụt giảm và thị trường gần như vẫn dịch chuyển side-ways trong những phiên giao dịch gần đây. Có vẻ như, TTCK Việt Nam vẫn cần những thông tin hỗ trợ đủ tầm ảnh hưởng để tạo ra một xung lực đủ mạnh nhằm thiết lập xu hướng rõ ràng trong thời gian sắp tới.

Nguồn: Vinanet