Hợp đồng dầu cọ thô kỳ hạn tháng 11/2009 giá tăng 2 Ringgit lên 2.301 Ringgit/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi giao dịch trong khoảng giá 2.301-2.353 Ringgit/tấn.

Giá dầu cọ đã tăng 5,1% từ đầu tháng đến nay và 36% từ đầu năm tới nay, do dự báo kinh tế hồi phục sẽ đẩy nhu cầu tăng, mặc dù các chính phủ Malaysia và Indonexia dự báo sản lượng năm  nay sẽ đạt kỷ lục cao.

Thị trường dầu cọ đang lo ngại rằng nguồn cung từ Indonexia và Malaysia, những nước sản xuất hàng đầu thế giới, sẽ không đạt mức như dự kiến.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm thường là giai đoạn sản lượng thấp. Nếu năng suất cây cọ dầu không cao, mà nhu cầu lại tăng lên theo đà hồi phục kinh tế thế giới, thị trường dầu cọ chắc chắn sẽ tăng giá.

Người trồng cọ năm nay cũng giảm lượng sử dụng phân bón, do giá cao.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm ngoài dự kiến, và thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng giá đã hậu thuẫn giá dầu mỏ tăng lên trong ngày 19/8/2009 tại New York và London (ngày 20/8 theo giờ Việt Nam).

Trong những phiên giao dịch tới, thị trường dầu cọ thô có thể sẽ tiếp tục theo dõi động thái của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu cọ lớn - để định hướng giá. Các thương gia dự báo giá dầu cọ sẽ ở trong khoảng 2.240-2.320 Ringgit/tấn.

Các hãng giám sát vận tải ước tính xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong giai đoạn 1-20/8/2009 giảm khoảng 7% - 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 875.330-913.153 tấn.

Trên thị trường giao ngay, giá dầu olein cọ kỳ hạn tháng 10,11 và 12/2009 giảm xuống 667,50 USD/tấn, trong khi kỳ hạn tháng 1,2 và 3/2010 ở mức 715 USD/tấn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonexia, Indonexia sẽ duy trì thuế xuất khầu dầu cọ không thay đổi, ở mức 0% trong tháng 9, tháng thứ 2 liên tiếp, do giá thấp. Quyết định này dựa trên giá dầu cọ trung bình ở Rotterdam là 689 USD/tấn.

Triển vọng thị trường dầu cọ khả quan bởi sản lượng đậu tương của Áchentina, nước xuất khẩu dầu đậu tương lớn nhất thế giới, sẽ bị giảm khoảng ¼ do hạn hán. Dầu đậu tương là loại dầu được tiêu thụ nhiều thứ 2 sau dầu cọ.

Ngoài ra, với lợi thế là loại dầu thực vật có giá rẻ nhất, dầu cọ sẽ được các khách hàng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng nhiều.

Nhập khẩu dầu thực vật vào Ấn Độ có thể tăng tới mức kỷ lục cao trong năm nay vì nước này đang rơi vào tình trạng hạn hán trầm trọng nhất kể từ 3 năm nay, đe doạ giảm mạnh sản lượng hạt có dầu, và gaya thiếu cung trầm trọng. Theo Hiệp hội các nhà Chiết xuất Dung môi Ấn Độ, trong năm kết thúc vào 31/10/2009, nhập khẩu dầu thực vật vào nước này có thể tăng 27% đạt 8 triệu tấn.

Koh Miang Chuen và Conrad Werner, các nhà phân tích thuộc hãng Morgan Stanley Asia (Singapore) Pte, giá dầu cọ có thể đạt trung bình 700 USD/tấn trong nửa cuối năm nay, so với 612 USD/tấn trong nửa đầu năm, bởi nhu cầu thường tăng trong mùa lễ hội Hồi giáo, Ramadan, bắt đầu từ tháng 8.

Cả Indonexia và Malaysia – 2 nước chiếm khoảng 90% sản lượng dầu cọ toàn cầu - đều có lễ hội Hồi giáo, và nhu cầu trong nước trong dịp lễ Ramadan có thể sẽ làm giảm lượng dư cung dành cho xuất khẩu.

Sản lượng dầu cọ của Malaysia đã tăng 3% trong tháng 7, mức tăng thấp nhất trong vòng 3 tháng, lên 1,49 triệu tấn, trong khi xuất khẩu tăng 13%.

Theo thống kê của hãng giám sát vận tải Intertek Agri Services, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 8 giảm khoảng 7% - 11% so với cùng kỳ tháng trước, do các khách hàng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, EU… đều giảm lượng mua vào.

Xuất khẩu sang Ấn Độ giảm 25% xuống 59.452 tấn, sang EU giảm 46% xuống 101.408 tấn, và sang Trung Quốc giảm từ 284.354 tấn xuống 271.587 tấn.

Mặc dù xuất khẩu giảm, giá dầu cọ thô vẫn đang tăng lên, theo xu hướng chung của thị trường hàng hoá.

Các thương gia dự báo nhu cầu dầu cọ của Malaysia trên thị trường quốc tế sẽ tăng trong tháng 9 tới, là mùa lễ hội.

 Giá  dầu cọ thô ngày 20/8/2009

 Ringgit/tấn

Kỳ  hạn

Giá 10/7

+/-

T7/09

2.340

+04

T8/09

2.338

+18

T9/09

2.301

+02

T10/09

2.299

+26

 

Nguồn: Vinanet