Giá dầu thô đang hướng đến tuần giảm tới 7,8%, mức giảm theo tuần sâu nhất tính từ tuần kết thúc ngày 07/05/2010. Dầu đã qua 4 ngày liên tiếp giảm giá, kỳ giảm giá dài nhất trong vòng 7 tuần, do lo ngại hồi phục kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ chậm lại, và nhu cầu dầu ở hai nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới sẽ bị hạn chế.

Tại thị trường London, giá dầu Brent hạ 2,67USD/thùng tương đương 3,6% xuống 72,34USD/thùng.

Tại New York, giá dầu kỳ hạn tháng 8 giảm 1,9% xuống còn 74,21 USD/thùng sau khi báo cáo của Mỹ cho thấy các công ty ở đấy tuyển ít nhân viên mới hơn trong tháng 6. Ngoài ra, dự trữ dầu thô cũng tăng ngoài dự kiến.

Trong ngày, có lúc giá dầu xuống mức thấp nhất gần 3 tuần nay, dưới 73 USD/thùng.

Khủng hoảng nợ châu Âu đang gây bất ổn thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa thế giới.

Ngoài những lo ngại chung, thị trường dầu mỏ còn bị ảnh hưởng từ thảm họa rò rỉ dầu khủng khiếp nhất trong lịch sử Mỹ có thể tác động xấu tới hoạt động khai thác ngoài khơi và nguồn cung dầu thô trong tương lai.

Nhà phân tích và tư vấn Victor Shum của Công ty Năng lượng Purvin & Gertz cho biết cũng như năm ngoái, năm nay ngành công nghiệp dầu khí vẫn đang vật lộn với nền tảng hết sức yếu ớt và rất nhiều bất ổn mặc dù nhu cầu về năng lượng có dấu hiệu cải thiện và nền kinh tế đang trên đà phát triển.

Về những thông tin dầu mỏ khác, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Xa bờ (CNOOC), nhà sản xuất dầu khí xa bờ lớn nhất Trung Quốc, sẽ tăng cường kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu, trong khi sẽ tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng sạch và ít khí thải carbon, chủ tịch tập đoàn Fu Chengyu hôm 10/5 cho hay. "CNOOC sẽ tập trung chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế thông qua đổi mới công nghệ. Kế hoạch khai thác các nguồn dầu khí của họ sẽ chuyển từ các vùng biển nước nông đến các vùng biển nước sâu tới 3.000 mét," ông Fu cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã.

Theo ước tính, khoảng 1/3 nguồn dầu và khí tự nhiên của thế giới nằm trong lòng các đại dương và chúng có thể sẽ thay thế các khu vực trên đất liền và ven bờ trở thành kho chứa dầu khí chính của thế giới, theo CNOOC.

CNOOC đã đầu tư hơn 15 tỷ nhân dân tệ (2,19 tỷ USD) vào việc xây dựng các tàu khoan thăm dò nước sâu, các sà lan nâng và đặt đường ống nước sâu cũng như tàu khảo sát địa lý nước sâu, ông Fu nói.

Một khi đi vào hoạt động trong năm 2011, dự án đầu tư này sẽ nâng cao đáng kể khả năng thăm dò và khai thác các nguồn dầu khí nước sâu của Trung Quốc, ông cho biết thêm.

Năm 2006, CNOOC và đối tác của họ, Tập đoàn Năng lượng Husky của Canada, đã phát hiện mỏ khí nước sâu đầu tiên của Trung Quốc, mỏ Liwan 3-1 (nằm cách Hồng Kông 350km về phía Đông Nam, độ sâu 1,3km), tại lưu vực cửa sông Pearl thuộc khu vực phía đông biển Đông.

Do giá dầu thế giới gần đây giảm mạnh, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 của nhóm nước xuất khẩu dầu mỏ tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi xuống 4,3%.

Quỹ đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2010 của nhóm nước xuất khẩu dầu thuộc 2 khu vực trên là 4,5%.

Nhóm này đóng góp hơn 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Giá dầu đã giảm gần 20% trong tháng 5/2010 xuống mức 70USD/thùng bởi lo lắng khủng hoảng nợ châu Âu sẽ khiến nhu cầu dầu giảm mạnh.

Ông Masood Ahmed, giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á, phát biểu với báo giới: “Những tuần qua, khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã tạo ra quá nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, dù sao sau 1 năm đầy khó khăn, triển vọng kinh tế khu vực đã có nhiều điểm sáng sủa hơn.”

Tăng trưởng kinh tế năm 2010 của nhóm nước trên sẽ gần gấp 3 lần con số 1,5% vào năm 2998.

Ông Ahmed nhận định chính phủ nhóm nước xuất khẩu dầu sẽ tiếp tục duy trì gói kích thích kinh tế trong năm nay bởi nếu tín dụng tăng trưởng chậm lại, đà phục hồi sẽ bị cản trở. Những nước như Ai Cập hay Pakistan không còn nhiều khả năng tăng chi tiêu bởi lạm phát tăng quá nhanh.

IMF cho rằng chính phủ các nước xuất khẩu dầu mỏ nên tính đến rút đi kế hoạch kích thích kinh tế vào năm 2011 để ngăn ảnh hưởng trong trung hạn khi lĩnh vực tư nhân mạnh lên, lãi suất cơ bản cần bắt đầu được điều chỉnh tăng để làm giảm áp lực lạm phát.

(Vinanet)