Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, mức thuế đối với mặt hàng đồ uống sẽ điều chỉnh khá mạnh và được đề xuất áp dụng từ tháng 7.2015. Điều này khiến doanh nghiệp trong ngành phải chịu áp lực cạnh tranh khá lớn.

Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính, từ ngày 1.7.2015, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia sẽ đồng loạt tăng từ 10 đến 15%. Nói cách khác, rượu từ 20 độ trở lên và bia sẽ có mức thuế mới là 65%, thay vì 50% như hiện tại. Mặt hàng rượu dưới 20 độ sẽ bị nâng thuế từ 25% lên 35%. Mặt hàng nước ngọt có ga không cồn cũng sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 10% từ năm 2015. Mục tiêu của việc đánh thuế là hạn chế tiêu dùng đồ uống có chất kích thích, cũng như góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh đồ uống cơ bản đồng tình với đề xuất nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, đồ uống có ga. Nhưng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, một số doanh nghiệp chọn giải pháp sẽ chuyển sản xuất sản phẩm có nồng độ cồn cao sang các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Doanh nghiệp cũng tăng cường mở rộng về thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi dành cho sản phẩm có phân khúc tiêu dùng ở mức giá không cao. Theo Phó tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài gòn Sabeco Lê Hồng Xanh, tham gia vào các chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam sẽ giúp đồ uống nội đến với người tiêu dùng.

Một bất cập nữa khi áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tính đến, đó là biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp rất lệch nhau (tức là tỷ suất lợi nhuận trên vốn của doanh nghiệp). Bởi vậy, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đều nhau sẽ khiến doanh nghiệp yếu thế sẽ chết trước, rồi doanh nghiệp trung bình thì sống tạm ổn và phần thắng sẽ rơi vào tay doanh nghiệp có biên độ lợi nhuận cao. Hay nói cách khác, doanh nghiệp nước ngoài sẽ có lợi thế chiếm lĩnh thị trường so với doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, do xác định trong cơ chế thị trường, cạnh tranh là tất yếu và là động lực để phát triển, nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến hành cắt giảm chi phí từ khâu thu mua nguyên liệu đến sản xuất. Phó giám đốc công ty cổ phần Vang Thăng Long Tô Thanh Huyền cho biết, công ty đã triển khai thu mua sản phẩm nguyên liệu trong nước để sản phẩm đầu ra có giá cả phù hợp hơn.

Một số doanh nghiệp ngành đồ uống đã lo ngại về sức cạnh tranh của sản phẩm nội địa khi nước ta tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này, trong khi các quốc gia khác không tăng. Nhưng có thể thấy, ngay cả khi chưa điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đồ uống nhập khẩu đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn vì có chất lượng, hương vị tốt hơn. Vì thế, các doanh nghiệp nội hãy đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm, thông qua việc tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng. Xác định rõ thị trường mục tiêu để đưa ra các chính sách tiếp thị, bán hàng nhằm ổn định thị phần, định vị lại từng sản phẩm theo phân khúc thị trường. Chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, dịch vụ bán hàng thuận tiện, phân chia lợi nhuận hợp lý là cách thuyết phục nhất để sản phẩm đồ uống Việt đến với người tiêu dùng trước áp lực tăng thuế.

Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân

Nguồn: Nhân Dân