Giá cà phê Robusta tăng; Giá tôm sú tăng; Giá lúa giảm 100 - 200 đồng/kg; Giá thực phẩm giảm mạnh; Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng trưởng chậm trong 2 quý tới.

Tiêu điểm thị trường tuần qua

Giá cà phê Robusta tăng

Cùng với xu thế giá thế giới, giá cà phê trong nước tuần qua cũng tăng khá. Giá cà phê Robusta giao tại cảng FOB (HCM) đạt 2.075 USD/tấn vào cuối tuần qua, tăng 0,5% so với cuối tuần trước đó. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đạt bình quân 42.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với giá chốt tuần trước đó.

Giá tôm sú tăng
Tuần qua, giá tôm sú nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại, với mức tăng bình quân 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước đó.
Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg có giá 190.000 - 193.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 136.000 - 140.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 132.000 - 135.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), giá tăng trở lại là do nhu cầu của các nước nhập khẩu như Nhật Bản, Mỹ bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thu mua để đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, giá tôm sú tăng cũng do các tỉnh bị thiệt hại nặng nề vì tôm chết hàng loạt.

Giá lúa giảm 100 - 200 đồng/kg
Tuần qua, tại Tiền Giang, giá lúa đã giảm thêm 100 - 200 đồng/kg. Theo các hộ nông dân, do trời mưa liên tục nên việc phơi lúa gặp nhiều khó khăn, nhưng phơi sấy xong phải chở về nhà chờ thương lái. Tình trạng lúa tồn đọng tiếp tục tái diễn. Hiện giá lúa chỉ còn 3.900 đồng/kg lúa tươi và 4.800 - 4.900 đồng/kg lúa khô nhưng thương lái cũng không dám mua. Giống lúa thơm Jasmine thu hoạch xong cũng không bán được, nếu có người mua thì giá chỉ 5.700 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết doanh nghiệp vẫn còn tồn kho gạo vụ đông xuân khá nhiều nên hiện nay chỉ mua gạo có chất lượng khá, trong khi lúa hè thu cho gạo chất lượng thấp.

Giá thực phẩm giảm mạnh
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện nay giá các loại thịt, thực phẩm trong cả nước đang giảm mạnh. Trong đó, giá thịt lợn hiện đã giảm tới 17% - 18% so với tháng 1-2012, giá thịt gia cầm giảm 20% - 25%.

Nguyên nhân do nhu cầu về thực phẩm giảm rất mạnh, ở các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp có nơi giảm 30% - 40%. Trong khi đó, nguồn thịt xuất khẩu đang gặp khó khăn do Trung Quốc tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên, do giá giảm, nhu cầu tiêu thụ thịt giảm nên từ đầu năm tới nay, lượng thịt nhập ngoại không đáng kể nhưng tới cuối năm thì có thể lại phải lo chuyện nhập thịt để bình ổn giá vì người chăn nuôi bỏ đàn, treo chuồng trại.

Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng trưởng chậm trong 2 quý tới

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng 2 con số và xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi và phát triển nhanh trong năm sau. Trước mắt, xuất khẩu thủy sản có thể tăng trong quý II và quý III nhưng khó vượt quá 10% vì xuất khẩu tôm và cá tra vẫn giảm do một số khó khăn nội tại và cả từ các thị trường bên ngoài.


Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mức tăng trưởng 11% trong 4 tháng và 0,9% trong tháng 4 năm nay không chỉ thấp nhất trong 3 năm qua mà còn phản ánh đúng thực trạng những khó khăn của ngành thủy sản.

Thiếu vốn và nguyên liệu cùng với các chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là những trở ngại mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt. 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 4, trong đó xuất khẩu tôm giảm 6,5% đạt 163,2 triệu USD. Riêng tôm sú giảm gần 22% chủ yếu do tôm chết vì dịch bệnh và nhu cầu thị trường đối với sản phẩm cao cấp không nhiều.

Xuất khẩu cá tra cũng chỉ đạt 143,6 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục giảm nếu doanh nghiệp và người nuôi không được tiếp sức bằng nguồn vốn vay ngân hàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản ít thuận lợi do nhu cầu thấp tại các nước nhập khẩu, việc tiêu thụ khó khăn.

 

Nguồn: Vinanet