Cao su giảm giá; trồng cam giúp nông dân tăng thu nhập; Thanh long ruột đỏ "sốt" giá; giá lợn tăng.

Cao su giảm giá

Những năm qua, nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở tỉnh Quảng Trị được nâng lên đáng kể, nhiều hộ có việc làm ổn định và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong năm nay, mủ cao su rớt giá liên tục làm cho người trồng phải đối mặt với những khó khăn, lo lắng.

Xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là thủ phủ của cây cao su với sự tồn tại và phát triển thịnh vượng gần 20 năm của Công ty Cao su Quảng Trị. Cũng như nhiều xã miền Tây của huyện Gio Linh, thu nhập chính của người dân Hải Thái chủ yếu dựa vào cây cao su. Hiện, toàn xã có gần 1.000 ha cao su, trong đó có hơn 50% diện tích đã cho khai thác mủ. Nhờ phát triển cây cao su, nhiều gia đình trên địa bàn xã có của ăn của để, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hải Thái trước đây là xã có hộ nghèo tương đối cao, tuy nhiên nhờ vào cây cao su mà hộ nghèo giảm đáng kể, đến nay xã chỉ còn dưới 10% hộ nghèo.

Theo ông Hồ Đăng Vinh, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ, giá cao su nguyên liệu hiện giảm 50% so với thời điểm năm 2012. Hiện nay giá mủ nước quy khô mua vào bình quân 26.000 đồng/kg, mủ tạp quy khô 24.500 đồng/kg. Trong khi đó, năm 2012 giá mủ cao su nguyên liệu đạt 53.000 đồng/kg mủ nước quy khô và 49.000 đồng mủ tạp quy khô.

Huyện Gio Linh có diện tích cao su khá lớn với gần 4.000 ha, tương đương 50% diện tích cao su toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã phía Tây như: Hải Thái, Linh Hải, Gio An, Gio Bình, Gio Sơn, Gio Hòa... Tuy nhiên, hiện giá cao su giảm mạnh làm cho người dân không còn mặn mà với loại cây trồng một thời hoàng kim này, họ bỏ luôn cả việc chăm sóc khiến cỏ dại mọc um tùm, một số hộ dân đã phá bỏ bớt diện tích cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Trồng cam giúp nông dân tăng thu nhập

Đến nay, thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với gần 400ha. Mỗi năm, diện tích cam này cho năng suất từ 12-15 tấn/ha, sản lượng đạt 2.000 tấn mang về cho người dân nơi đây hơn 60 tỷ đồng. Với giá bán trung bình từ 20.000 - 35.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Xác định đây là loại cây mũi nhọn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương, Phòng Nông nghiệp huyện đã động viên nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng những giống cam chất lượng cao như cam sành, cam đường canh, cam V2, cam sen, cam Valencia v ới chất lượng cam có vị ngọt đượm, thơm giòn, có giá trị dinh dưỡng cao. Đồng thời, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Đặc biệt là yêu cầu người trồng cam tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, hữu cơ vừa bảo đảm an toàn, vừa tiết kiệm chi phí bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu cam sạch Trần Phú.

Đồng Nai: Thanh long ruột đỏ "sốt" giá

Hiện thanh long ruột đỏ bán tại vườn có giá 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tuần trước. Thanh long ruột đỏ liên tục tăng giá thời gian qua do gần hết mùa, nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, vụ thu hoạch nghịch mùa năm nay của thanh long ruột trắng lại trúng mùa, đang vào cao điểm thu hoạch nên giá liên tục giảm. Hiện giá thanh long ruột trắng chỉ còn 11.500 đồng/kg, giảm khoảng 7 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn khoảng 4 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Làm vụ nghịch, nông dân phải thắp điện cho cây nên chi phí cao hơn vụ thuận.

Sóc Trăng: Giá lợn tăng

Thời gian gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng liên tục tăng nên nhiều hộ chăn nuôi phấn khởi vì lợi nhuận cao, nhiều hộ mạnh đầu tư tái đàn, có hộ còn mở rộng chăn nuôi theo quy mô số lượng lớn đáp ứng cho nhu cầu xuất bán dịp Tết nguyên đán 2015.
Giá lợn hơi từ giữa năm đến nay tăng liên tục với mức khởi điểm từ 45.000 đồng/kg, đến nay đã tăng lên 52.000 - 54.000 đồng/kg, với mức giá như hiện nay thì hộ chăn nuôi thu lợi nhuận khoảng 1,8-2,2 triệu đồng/con, loại 100 kg/con.

Nguyên nhân giá lợn hơi tăng liên tục là do bà con chăn nuôi giảm việc tái đàn trong thời gian qua làm cho lượng lợn thịt trên thị trường giảm. Mặt khác, do các thương lái từ các tỉnh khác như: Bạc liêu, Cà Mau và Bến Tre đang có mặt trên địa bàn tăng cường thu gom lợn thịt. Các thương lái cũng nhận định: từ nay đến Tết Nguyên đán, giá lợn thịt sẽ ổn định ở mức tương đối cao do số lượng đàn lợn đang trong giai đoạn phục hồi và cộng với sức tiêu thụ mạnh của thị trường Tết Nguyên đán. Do đó, việc phát triển đàn heo ngay vào thời điểm hiện nay là rất phù hợp; góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ chăn nuôi.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp Sóc Trăng: hiện nay, đàn heo của tỉnh đạt khoảng 350.000 con, cao hơn cùng kỳ khoảng 20.000 con, và kế hoạch cả năm 2014 là 361.000 con là trong khả năng vượt cao. T hị xã Ngã Năm hiện có trên 26.000 con lợn và hiện đang có chiều gia tăng nhanh với mỗi tháng số lượng tăng thêm từ 1.500 đến 2.000 con.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet