Lúa mì

Sáng 23/8, lúa mì tăng giá trở lại sau một tuần giảm giá. Vào lúc giao dịch sáng nay, lúa mì kỳ hạn tại Mỹ giá tăng 0,2%, dần ổn định trở lại sau khi giảm sâu vào ngày 20/8/2010.

Trong tuần qua, lúa mì giảm giá mặc dù báo cáo cho thấy hạn hán trên diện rộng ở Nga vẫn đang tiếp diễn, và có tin Nga sẽ phải nhập khẩu ngũ cốc trong năm nay.

Có tin trong niên vụ 2010/11 Nga có thể phải nhập khẩu ít nhất 5 triệu tấn ngũ cốc.

Kết thúc tuần qua, lúa mì kỳ hạn tháng 12 ở mức giá 7,13 USD/bushel, giảm so với 7,34 USD/bushel 7 ngày trước đó.

Ngày 6/8, lúa mì đã từng lập kỷ lục cao 8,68 USD/bushel (khoảng 25 kg), mức cao chưa từng có trong vòng 24 tháng.

Sau hiện tượng đó, Nga đã ban lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, áp dụng từ 15/8 tới hết năm. Động thái của Nga đã khiến Anh, Pháp và Đức trở thành nguồn cung lúa mì chính trên thị trường Châu Âu. Đây là 3 nước sản xuất lớn nhất EU.

Cho tới khi hạn hán, Nga vẫn là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Năm vừa qua Nga đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu lúa mì.

Theo nguồn tin Bloomberg dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá bánh mì Pháp có thể sẽ tăng 20% trong vài tuần tới bởi một số hãng sản xuất thông báo giá bột mì đã tăng 25%.

Bột mì tăng giá kể từ khi giá lúa mì tăng. Lúa mì chiếm khoảng 5 – 7% giá thành của bánh mì.

Pháp có thể sẽ tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng nông nghiệp nhóm G20 để thảo luận về biến động giá hàng nông sản.

Pháp có dư khoảng 19,3 triệu tấn lúa mì mềm dành cho xuất khẩu, và họ đang có lợi thế trên thị trường cung cấp sau khi Nga công bố cấm xuất khẩu lúa mì.

Bộ phận Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định xuất khẩu lúa mì của Nga trong năm tới sẽ giảm từ mức 36 triệu tấn xuống chỉ khoảng 16 triệu tấn.

Ngô

Giá ngô sáng 23/8 tiếp tục tăng thêm 0,1% đạt 4,36-½ USD/bushel sau khi đã tăng trong tuần qua do lo ngại Bộ Nông nghiệp Mỹ có thể đã đánh giá quá cao sản lượng vụ 2010/11 của nước này.

Thời tiết khô nóng ở Mỹ đang đe doạ sản lượng nông sản nước này.

Tuần qua, giá ngô kỳ hạn tháng 12 đã tăng 2,1% kết thúc ở mức 4,3620 USD/bushel vào ngày 20/8.

Đậu tương

Theo xu hướng giá ngô, đậu tương cũng tăng giá vào sáng nay, 23/8, với mức tăng 0,3% lên 10,07 USD/bushel, bởi nhu cầu xuất khẩu hàng của Mỹ đang rất mạnh.

Tuần qua, đậu tương giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3/8, 10,004 USD/bushel bởi dự báo sản lượng đậu tương Mỹ sẽ đạt kỷ lục cao. Tính chung trong tuần, giá đã giảm 3,8%.

Như vậy, đậu tương đã mất 4,3% giá trị kể từ sau khi đạt mức 10,49 USD hôm 5/8, mức giá cao nhất trong vòng 7 tháng.

 Số liệu do Hiệp Hội các nhà Chế biến Đậu tương Ấn Độ cho hay xuất khẩu khô đậu tương của nước này tăng trưởng 177% trong tháng 7 năm 2010 đạt 160.622 tấn so với 58.040 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm tài chính 2010-2011, xuất khẩu khô đậu tương đã tăng 12,72%, đạt 374.135 tấn so với 331.923 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính chung 10 tháng đầu năm marketing 2009/2010 (kéo dài từ tháng 10/2009 đến tháng 7/2010) lượng xuất khẩu mặt hàng này vẫn giảm 35% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ đạt 1,88 triệu tấn.
Hiệp hội các nhà Chế biến Đậu tương của Ấn Độ cho biết diện tích trồng đậu tương trong năm nay là 9,31 triệu ha thấp hơn 3,7% so với năm ngoái. Diện tích trồng đậu tương ở bang Madhya Pradesh tăng lên ở mức 5,52 triệu ha.

Trái với những lo ngại trong các tháng đầu năm về tình hình xuất khẩu khô đậu tương của Ấn Độ, SOPA bất ngờ đưa ra dự báo: sản lượng khô đậu tương xuất khẩu của nước này trong niên vụ 2010-2011 (kết thúc vào tháng 3/2011) sẽ tăng khoảng 20% so với năm ngoái, lên mức 3 triệu tấn nhờ triển vọng về 1 vụ mùa bội thu sau 1 năm mất mùa do hạn hán và kết quả từ các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc vừa qua. Cụ thể, 2 nước đã tiến hành thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại đối với mặt hàng khô đậu tương và dự kiến Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi lượng xuất khẩu mặt hàng này trong năm tới. Thu hoạch đậu tương của Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng 10 sắp tới. Mới đây trong báo cáo cập nhật tháng 7, cơ quan nông nghiệp nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đưa ra những con số rất khả quan về sản lượng đậu tương của Ấn Độ trong niên vụ 2010-2011. Theo đó, sản lượng đậu tương của nước này dự báo sẽ vào khoảng 8,8 triệu tấn, tăng 50 nghìn tấn (tương đương tăng 0,57%) so với niên vụ 2009/2010, kéo sản lượng khô đậu tương tăng lên mức 6,08 triệu tấn, tăng 1,13 triệu tấn (tương đương tăng 22,83%) so với niên vụ trước. Với sản lượng này, Ấn Độ sẽ chiếm khoảng 3,57% tổng sản lượng khô đậu tương toàn thế giới và xếp thứ 4 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này, sau Achentina, Brazil và Hoa Kỳ.

Về thông tin liên quan, Ủy ban kỹ thuật về an toàn sinh học quốc gia của Brazil (CTNBio) đã cấp phép cho việc sử dụng giống đậu tương biến đổi di truyền mới do công ty hóa chất BASF của Đức và EMBRAPA (Tập đoàn Nghiên cứu Nông nghiệp Brazil) phát triển. Giống đậu tương này có tính chống chịu được thuốc diệt cỏ imidazolin.

Hiện có trên 18 loại cây trồng công nghệ sinh học được phép trồng ở Brazil. Tuy nhiên, giống Roundup Ready của hãng Monsanto là giống đậu tương biến đổi gen duy nhất tại nước này. Năm 2008, đậu tương Roundup Ready đã được trồng trên diện tích 14,2 triệu ha tại Brazil.

Giống đậu tượng GM vừa được phê duyệt dự kiến sẽ được cung cấp cho nông dân Brazil từ năm 2011 trở đi. Brazil là nước trồng đậu tương thứ hai trên thế giới và là nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất. Theo FAO, Quốc gia này sản xuất khoảng 50 triệu tấn đậu tương hàng năm.

Giá ngũ cốc sáng 23/8 tại Chicago:

Loại ngũ cốc      

Giá

CBOT wheat 

   713.25

CBOT corn     

 436.50

CBOT soy     

1007.00

CBOT rice   

 $11.21  

Euro/dlr   

   $1.270 

USD/AUD

         0.888   

(Vinanet)