(VINANET)Nhập khẩu gạo Ghana giảm 30% năm nay
Ghana giảm nhập khẩu gạo 30% năm nay do sản lượng lương thực trong nước tăng tới 59%, Bộ Nông Lương Ghana cho biết. Nhập khẩu gạo giảm do năm nay, chính phủ hỗ trợ nông dân bằng cách cung cấp hạt giống chất lượng cao, cung cấp phân bón và các thiết bị trồng trọt.
Hàng năm, Ghana sản xuất khoảng 275.000 tấn gạo và nhập khẩu khoảng 400.000 tấn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ 775.000 tấn gạo. Các nguồn tin địa phương cho biết, Ghana chi khoảng 450 triệu USD hàng năm cho nhập khẩu gạo. Nước này chủ yếu nhập gạo từ Việt Nam, Thái Lan và Mỹ.
Để khuyến khích tăng sản lượng trong nước, năm nay chính phủ Ghana đã nâng giá thu mua lúa gạo lên 325 USD/tấn, tăng khoảng 24% so với năm ngoái.

Bang của Ấn Độ bỏ thuế xuất khẩu gạo
Bang Uttar Pradesh, một bang sản xuất gạo chính của Ấn Độ vừa tuyên bố bãi bỏ thuế xuất khẩu gạo. Động thái này có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo Ấn Độ sang Bangladesh và nước láng giếng Nepal.
Bang Uttar Pradesh đóng góp khoảng 12% tổng sản lượng gạo cả nước. Sản lượng gạo của bang tăng mạnh trong những năm gần đây nhờ chính sách tập trung nâng cao sản lượng gạo các bang phía đông của chính phủ trung ương Ấn Độ.

 IGC: Thái Lan sẽ lấy lại vị thế là nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào năm tới
Theo Hội đồng ngũ cốc Thế giới (IGC), Ấn Độ sẽ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào năm 2012 với khối lượng 8,7 triệu tấn, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ hai với 7,1 triệu tấn và Thái Lan xuống vị trí thứ ba với 6,5 triệu tấn.
IGC ước tính, xuất khẩu gạo Ấn Độ tăng 210% từ 2,8 triệu tấn niên vụ 2010-2011 lên 8,7 triệu tấn niên vụ 2011-2012. Xuất khẩu gạo Việt Nam không đổi so với năm ngoái ở 7,1 triệu tấn trong khi xuất khẩu gạo Thái Lan giảm 38% từ 10,6 triệu tấn năm ngoái xuống 6,5 triệu.
Hai sự kiện khiến dẫn đến thay đổi vị thế xuất khẩu gạo của các nước là việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 9 năm ngoái và việc Thái Lan thực hiện chương trình thế chấp gạo.
Tuy nhiên IGC cho biết, sang năm tới xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại và lấy lại vị trí số 1. IGC ước tính xuất khẩu gạo các nước năm tới sẽ lần lượt là Thái Lan 7,9 triệu tấn, Ấn Độ 6,9 triệu tấn và Việt Nam 6,7 triệu tấn.

Ai Cập chi thêm 98 triệu USD để thu mua lúa từ nông dân
Chính phủ Ai Cập vừa tuyên bố chi 98 triệu USD để mua lúa từ nông dân. Trước đó, chính phủ nước này đã phân bổ ngân sách 32,8 triệu USD vào đầu tháng này. Chương trình này nhằm nhằm giúp nông dân có thu nhập tốt hơn và xây kho dự trữ lương thực chiến lược.
Nguồn ngân sách được phân bổ thêm sẽ giúp ổn định giá trong dài hạn khi sản lượng lúa Ai Cập dự báo đạt khoảng 6,8 triệu tấn năm 2012-2013.
Trong tháng này, Ai Cập cũng vừa dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 4 năm và dự kiến xuất khẩu khoảng 850.000 tấn-1 triệu tấn gạo năm 2012-2013.

Phát hiện gạo có hàm lượng phóng xạ vượt mức cho phép tại Nhật Bản
Lần đầu tiên trong niên vụ hiện tại, một mẫu gạo tại Fukushima của Nhật Bản đã được phát hiện chứa chất phóng xạ cesi vượt mức cho phép. Hàm lượng cesi trong mẫu gạo này vào khoảng 110 becquerel/kg, cao hơn 10% so với hàm lượng cho phép 100 becquerel/kg.
Mẫu gạo này thuộc về khu vực Nishifukuro tại thành phố Sukagawa, nơi đóng góp chỉ khoảng 1% tổng sản lượng 360.000 tấn gạo sản xuất tại Fukushima năm nay.
Quan chức cho biết, xuất khẩu gạo tại địa phương này sẽ bị tạm ngưng và chỉ được phép xuất khẩu trở lại sau khi tất cả số gạo sản xuất tại Fukushima được kiểm tra.
Fukushima là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ động đất sóng thần và theo sau là vụ rò rỉ hạt nhân năm ngoái.

Thái Lan, Việt Nam đàm phán hợp tác thương mại về gạo
Thái Lan và Việt Nam đang thảo luận các cách thức hợp tác về thương mại gạo, bao gồm cả một dự thảo phân chia thị trường gạo nhằm tránh cạnh tranh giữa hai nước.
Bộ trưởng thương mại Thái Lan cho biết, hai bên đang cố tìm các cách tránh bán phá giá trong giao dịch gạo và để bình ổn giá gạo trên thị trường thế giới. Trong một cuộc họp đang diễn ra, hai nước xem xét một dự thảo phân chia thị trường gạo để tránh việc cả hai bên phải hạ giá gạo để cạnh tranh.
Thái Lan và Việt Nam dự kiến cũng sẽ thảo luận cách thức giảm bớt hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong xuất khẩu gạo sang các nước thứ 3. Bộ trưởng thương mại Thái Lan cũng có kế hoạch giúp Việt Nam xây các kho chứa và nhà máy để nâng cao chất lượng gạo Việt.
Việc thành công của cuộc họp này rất quan trọng đối với kế hoạch thành lập một liên minh gạo Asean mà Thái Lan đang theo đuổi. Báo cáo cho biết, Thái Lan, Myanmar, và Philippines đã đồng ý thành lập liên minh này trong khi phía Việt Nam và Campuchia vẫn chưa có phản hồi gì.
Thái Lan và Việt Nam đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo giao dịch trên toàn cầu.

Xuất khẩu gạo Pakistan trong quý III giảm 45%

Số liệu sơ bộ của Cục thống kê Pakistan cho biết, xuất khẩu gạo Pakistan trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 10/2012 đạt 344.641 tấn, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu gạo basmati chỉ đạt 132.119 tấn, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo phi basmati đạt 212.522 tấn, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng trước, một đại diện thuộc Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan cho biết, giá gạo nội địa cao là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm mạnh. Tuy nhiên cho biết, xuất khẩu gạo nước này sẽ phục hồi khi gạo từ vụ thu hoạch mới được bán ra thị trường. Theo ước tính của Hiệp hội, sản lượng gạo Pakistan niên vụ 2012-2013 dự kiến đạt 6 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo Pakistan trong niên vụ 2011-2012 đạt 3,29 triệu tấn, giảm 10% so với niên vụ trước đó.

Chính phủ Nigeria xem xét tăng gấp đôi thuế nhập khẩu gạo
Trong ngân sách năm 2013, chính phủ Nigeria đang xem xét tăng gấp đôi thuế nhập khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Hồi tháng 5 năm nay, Nigeria từng tăng thuế nhập khẩu gạo nâu và gạo đã qua nhà máy. Giá gạo được điều chỉnh tăng từ 639 USD/tấn lên 699 USD/tấn, sau đó đến quý IV năm nay giảm còn 673 USD/tấn. Điều này có nghĩa là, không quan trọng giá thực tế nhập khẩu là bao nhiêu, mọi loại thuế nhập khẩu sẽ đều được tính dựa trên mức giá quy định này.
Hiện nay, thuế nhập khẩu gạo được nước này tính như sau: 673 USD x 50% thuế (gồm 10% thuế hải quan và 40% thuế nhập khẩu) = 337 USD/tấn.
Chính phủ đang xem xét nâng mức thuế nhập khẩu từ 40% lên 100%, theo đó, thuế sẽ được tính như sau: 673 USD x 110% thuế (gồm 10% thuế hải quan và 100% thuế nhập khẩu) = 740 USD/tấn.

(T.H – Oryza, Reuters)