Giá nông sản sẽ tiếp tục cao

Trong báo cáo hợp tác mới nhất, Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định giá nông sản trên toàn cầu sẽ tăng trong 10 năm tới bởi giá năng lượng tăng và kinh tế thế giới hồi phục.

Giá dầu lửa tăng chắc chắn sẽ tác động tăng chi phí đầu vào và giảm sản lượng, ảnh hưởng tới nguồn cung cũng như giá và mậu dịch nông sản.

Dầu lửa tăng sẽ khiến một phần sản lượng nông sản được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học, càng ảnh hưởng tới xu hướng giá cũng như cung nông sản.

Malaysia đề nghị thành lập nhóm bình ổn giá cao su

Malaysia đã đề nghị thành lập một khối khu vực bao gồm Malaysia và các nước láng giềng là Indonexia, Thái lan và Việt Nam để ổn định giá cao su thiên nhiên toàn cầu và đảm bảo duy trì nguồn cung vững khi giá cả tăng.

Theo Thứ trưởng Đồn điền và Hàng hóa Malaisia, Hamzah Zainudin, nước này đã đề xuất thiết lập Thị trường cao su quốc tế với Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, nhằm kiểm soát giá cao su toàn cầu và duy trì sự ổn định sản lượng khi giá cả tăng.

 

Trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur, ông Hamzah Zainudin, thứ trưởng Bộ Hàng hoá và Cây trồng Malaysia, cho biết kế hoạch này sẽ mang tên “Thị trrường Cao su Quốc tế”.

Ông Hamzah cho rằng nạn đầu cơ quá mức ở Sở giao dịch hàng hoá Tokyo và những nơi khác đã làm giảm giá cao su thiên nhiên, và nêu ra sự cần thiết phải thành lập một cơ chế thị trường mới.

Giá cao su thiên nhiên đã giảm hơn 66% xuống mức thấp kỷ lục 1,1 USD/kg trong thời gian giữa tháng Bảy đến tháng 12/2008, do khủng hoảng khiến nhu cầu sụt giảm, song đã hồi phục mạnh trở lại trong năm 2009, lên mức 287 xu/kg vào tháng 12/2009, và nay đang ở mức khoảng 3 USD/kg. Giá cao su SMR20 hiện ở mức khoảng 2,88 USD/kg.

Ông Hamzah nhận định nhu cầu sẽ vẫn cao, song Malaisia sẽ nỗ lực giữ giá cao su ổn định ở 8-9 ringgit (244-275 US cent)/kg, trong khi mức mục tiêu trong 5 năm tới là 300 US cent/kg. Giá cao su chuẩn tại Ủy ban cao su Malaisia (MRB) ở mức 291,1 xu/kg vào cuối tuần trước.

Hơn 93% lượng cao su tự nhiên của Malaisia nằm trong tay 265.000 tiểu chủ, những người thường nắm giữ lượng nhỏ khi giá thấp và mua vào lượng lớn khi giá cao.

Tổng giám đốc MRB, Salmiah Ahmad, cho rằng Thị trường cao su quốc tế sẽ giúp duy trì giá cao su ở mức đủ cao để khuyến khích các tiểu chủ mua vào, từ đó tạo sự đảm bảo về nguồn cung.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban cao su Ấn Độ, Sajen Peter, nói không cần thiết phải có một thị trường mới bởi biến động giá hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ cung cầu.

Malaisia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đóng góp 76% sản lượng cao su tự nhiên và 93% lượng cao su xuất khẩu của toàn cầu, trong khi Ấn Độ là nước sản xuất lớn thứ tư thế giới.

Năm 2009, sản lượng cao su tự nhiên của Malaisia đạt hơn 857.000 tấn, trong đó giá trị xuất khẩu vượt 25 tỷ ringgit, chiếm 4,52% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Giá cà phê lập kỷ lục cao của 27 tháng, cacao cũng tăng giá

Giá cà phê kỳ hạn trên thị trường New York đã lập kỷ lục cao của 27 tháng, trong khi giá tại London đã tăng 17% từ đầu tháng tới nay. Nông dân Brazil đang gặp vấn đề về chất lượng sản phẩm. Gía Arabica vừa qua tuần tăng mạnh nhất kể từ 2006, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và những vấn đề về chất lượng trong vụ mùa của Brazil - nước trồng cà phê lớn nhất thế giới. Giá Robusta cũng tăng ở London. Cacao cũng trong xu hướng tương tự.

Chứng khoán Châu Á tăng giá

Giá chứng khoán trên thị trường Châu Á tuần qua tăng, đẩy chỉ số chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương MSCI tăng mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, bởi những báo cáo về tình hình kinh tế Mỹ làm giảm nỗi lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu sẽ làm chậm tiến độ hồi phục kinh tế, và các nhà môi giới đẩy tăng tỷ lệ đầu tư.

Cổ phiếu của Samsung Electronics Co., hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất Châu Á, tăng 3,1% tại Seoul trong tuần qua bởi triển vọng nhu cầu con chip sẽ tăng lên. Cổ phiếu của Nissan Motor Co. tăng 6,2% tại Tokyo sau khi Citigroup Inc. tái khẳng định nên mua cổ phiếu của hãng này. Cổ phiếu của Cnooc Ltd., hãng sản xuất dầu ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc, tăng 4,7% tại Hồng Kông bởi giá dầu thô vượt 75 USD/thùng. Cổ phiếu của Nintendo Co. tăng 16% tại Osaka, Nhật Bản sau khi hãng tung ra một trò chơi mới.

Lạm phát giá thực phẩm tại Ấn Độ giảm mạnh

Lạm phát giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu đã giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 7, nhưng chưa xuống tới mức mà áp lực giảm có thể buộc Ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ lãi suất. Lạm phát giá thực phẩm trong tuần kết thúc vào ngày 5/6/2010 là 16,12%, so với 16,74% tuần trước đó. Tương tự, lạm phát giá nhiên liệu cũng giảm xuống 13,18% so với 14,23% của tuần trước đó.

Năng lượng: giá tăng

Trong tuần qua, giá dầu thô tại Nymex (New York) đã tăng theo xu hướng tích cực của thị trường tài chính toàn cầu. Dầu thô tại Nymex kết thúc tuần ở mức giá trên 75 USD/thùng. Tuy nhiên, xu hướng giá tăng chậm lại vào cuối tuần sau khi Bộ Năng lượng Mỹ thông báo cung dầu thô tăng 1,7 triệu thùng trong tuần qua. Dự trữ dầu tăng lên 363,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/6/2010. Trong tuần này, giá dầu thô khả năng sẽ tiếp tục tăng do động thái linh hoạt tỷ giá tiền tệ của Trung Quốc giúp giá hàng hoá nói chung tăng lên. Tuy nhiên, giá dầu sẽ không tăng mạnh bởi lo ngại nguồn cung tăng ở Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Trong tuần này, khoảng giá hỗ trợ/kháng cự đối với dầu thô tại Nymex sẽ vào khoảng 74 USD/70 USD đến 80 USD/85 USD.

Vàng: giá tăng

Giá vàng giao ngay tăng trong tuần qua do chỉ số đồng USD giảm khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các loại tiền tệ khác. Giá vàng giao ngay đã lập kỷ lục cao 1251 USD/oz vào ngày 17/6/2010. Số liệu kinh tế từ Mỹ tuần qua không thật sự làm hài lòng các nhà đầu tư. Các nhà lãnh đạo Mỹ thông báo tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng ngoài dự kiến, tăng 12.000 trong tuần qua. Nỗi lo về khu vực đồng Euro vẫn chưa dịu lại, mặc dù không còn nóng bỏng như tuần trước nữa. Các thị trường tài chính Châu Âu tuần qua tăng điểm. Tây Ban Nha bán thành công trái phiếu 10 năm, làm giảm lo ngại của các nàh đầu tư. Dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong trung hạn bởi nỗi lo về khu vực đồng Euro có thể sẽ lại tăng lên trong tương lai. Vàng vẫn đang là nơi đầu tư an toàn. Dự kiến mức giá hỗ trợ/kháng cự của vàng trong tuần này sẽ là 1215 USD/1205 USD/ounce và 1260 USD/1272 USD/ounce.

Kim loại cơ bản

Giá kim loại cơ bản đầu tuần qua tăng khá song lại giảm vào cuối tuần do những số liệu kinh tế không khả quan từ Mỹ. Chỉ số đồng USD giảm cũng không khích lệ người mua vàng bởi tăng trưởng sản xuất ở Mỹ chậm lại. Số lượng nhà mới xây ở Mỹ cũng giảm 10% xuống 593.000 trong tháng 5. Dự báo giá kim loại tiếp tục biến động theo hình sin trong những tuần tới.

Tôm: giá chững lại

Giá bán buôn tôm tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu giảm mạnh do nguồn cung được cải thiện. Tại Trà Vinh, xu hướng giữ giá của tôm cỡ lớn, giảm giá của tôm cỡ trung bình và nhỏ tiếp tục duy trì. Theo đó, trong khi tôm sú loại tốt cỡ 20 con/kg vẫn được thu mua với giá 161.000 đồng/kg thì loại 30 con/kg và 40 con/kg lại giảm tiếp mỗi loại 1.000 đồng/kg, lần lượt xuống còn 127.000 đồng/kg và 99.000 đồng/kg.

Tại Bạc Liêu, giá tôm sú loại 20 con/kg và 30 con/kg đều giảm 5.000 đồng/kg, lần lượt đứng ở mức 175.000 đồng/kg và 137.000 đồng/kg. Riêng tôm loại 40 con/kg giảm tới 7% (tương đương mức 8.000 đồng/kg) xuống chỉ còn 107.000 đồng/kg. Đây là lần giảm giá sâu và mạnh nhất của tôm nguyên liệu tại tỉnh này trong vài tháng trở lại đây.

Trong khi đó, tại thị trường Cà Mau, giá thu mua tôm sú các loại vẫn giữ ở mức ổn định: loại 20 con/kg là 170.000 đồng/kg; 30 con/kg là 130.000 đồng/kg và 40 con/kg là 115.000 đồng/kg.

Sản lượng nuôi trồng tôm cả nước trong tháng 5/2010 đạt 21,2 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới do nhiều địa phương bước vào thu hoạch tôm chính vụ. Giá tôm do vậy được dự báo sẽ dần hạn nhiệt sau nhiều tháng giữ ở mức cao.

Liên minh xuất khẩu tôm ASEAN (ASA) đang tiến tới việc xây dựng những tiêu chuẩn chung về sản xuất tôm của khu vực nhằm làm giảm áp lực từ các nước nhập khẩu.

Vào trung tuần tháng 5 tại Bangkok, một bản dự thảo về Thực hành tốt nông nghiệp về tôm (Asean Shrimp Good Agricultural Practice-GAP) được các quan chức các nước xuất khẩu tôm hàng đầu ASEAN như Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Việt Nam và Thái Lan với sản lượng 1 triệu tấn/năm, tương đương một nửa sản lượng toàn cầu. Các tiêu chuẩn về tôm xuất khẩu bao gồm 4 nội dung: Chất lượng tôm và hệ thống vệ sinh; sức khỏe động vật; môi trường và những tác động kinh tế xã hội.

Bà Nanthiya Unprasert, Phó vụ trưởng Vụ nghề cá của Thái Lan cho biết xuất khẩu tôm của ASEAN đang phải đối mặt với hàng rào phi thuế quan của các nước nhập khẩu trong những năm gần đây.

Hàng rào phi thuế quan chủ yếu liên quan đến quy trình canh tác, tồn dư hóa chất và bán phá giá tôm cũng như tác động của việc nuôi tôm đến môi trường. Yêu cầu cao về chất lượng của các nước nhập khẩu tác động bất lợi đến giá thành sản xuất và sức cạnh tranh đối với tôm của ASEAN.

Xây dựng các tiêu chuẩn chung về tôm sẽ giúp tiếng nói của các nước thành viên có trọng lượng hơn trên thị trường thế giới, bà Nanthiya Unprasert nói.

Các quan chức cao cấp về nghề cá trong khu vực sẽ thảo luận lần cuối bản dự thảo Thực hành tốt nông nghiệp về tôm của ASEAN ngày 23-25/6 tại Brunei trước khi trình lên Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp ASEAN vào cuối năm nay tại Campuchia.

Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của ASEAN. Năm ngoái, Thái Lan xuất khẩu 395.000 tấn tôm, Indonesia xuất 137.600 tấn và Việt Nam xuất 100.000 tấn.

 (Vinanet)