(VINANET) - Philippine khuyến khích tiêu thụ rau để đạt mục tiêu tự cung lúa gạo

Giám đốc Viện Nghiên cứu Gạo Philippine đã kêu gọi người dân tăng cường ăn rau để cải thiện bữa ăn và giảm tiêu thụ gạo.

Giám đốc cho biết rất khó để Philippine đạt tự cung tự cấp lúa gạo, bởi tiêu thụ rau của mỗi người dân ngày một giảm, trong khi tiêu thụ gạo lại tăng.

Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết chính phủ có kế hoạch tăng tỷ lệ tự cung ra từ mức 65% hiện nay lên 100% vào 2016. Ông thêm rằng tiêu thụ rau trung bình người hiện nay là 40 kg, mới chỉ bằng 25% mức khuyến cáo của WHO là 146 kg.

Thái Lan bán đấu giá gạo trong kho dự trữ từ nay tới tháng 12

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan vừa tuyên bố kể hoạch bán đấu giá gạo trong kho dự trữ từ nay đến hết tháng 12 để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Khối lượng gạo được đem đấu giá chưa được tiết lộ, tuy nhiên Bộ này cho biết người tham gia đấu giá phải trả cao hơn mức giá niêm yết của chính phủ mới có thể mua được gạo.

Trong tháng 6, chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra gói thầu chào bán gạo từ kho, tuy nhiên gói thầu đã bị hủy bỏ do nhà thầu trả giá thấp hơn giá của chính phủ.

Tuần trước, các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan đã kiến nghị chính phủ bán gạo với giá lỗ nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Xuất khẩu gạo Thái Lan giảm tổng cộng 47% từ đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái do giá gạo Thái Lan cao hơn nhiều so với giá gạo cùng loại từ nước khác.

Các nhà khoa học Indonesia phát triển “gạo nhân tạo”

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bogor Indonesia đã phát triển loại “gạo nhân tạo”, một loại thực phẩm mới trông như gạo nhưng làm bằng máy, sử dụng nguyên liệu là ngô, sắn, khoai lang, bột sagu. Một số ngừoi cho biết sản phẩm mới có mùi vị giống như gạo.

Các nhà khoa học cho biết gạo nhân tạo có thể giúp Indonesia giảm mức tiêu thụ gạo trung bình người, và cũng chống lại một số bệnh có liên quan đến dinh dưỡng, bởi gạo này có chứa sắt và các vitamin.

Sản lượng gạo Ecuador sẽ giảm 5%

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo sản lượng lúa Ecuador 2012 sẽ đạt 1,2 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với 1,48 triệu tấn năm 2011.

Năng suất lúa năm nay sẽ giảm trong vụ chính - vụ chiếm khoảng 60% tổng sản lượng gạo nước này. Vụ tháng 5-6 bị dịch ốc sên tàn phá. Vụ này đang thu hoạch.

Giá gạo ở Ecuador đã tăng trong những tháng gần đây do dịch ốc sên. Theo FAO, giá gạo ở Quito trong tháng 7 là khoảng 1.020 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với tháng 7-2011.

Bangladesh dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo để thúc đẩy sản xuất

Theo ông Abul Maal Abdul Muhith, Bộ trưởng Tài chính cho biết Bangladesh sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo để hỗ trợ nông dân sau khi đạt vụ mùa kỷ lục và dự trữ trong nước tăng mạnh.

Bangladesh, quốc gia sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo phổ biến ra nước ngoài vào tháng 5/2008 theo sau giá gạo gia tăng đột biến và sau đó ban hành cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo vào năm 2009.

Theo Bộ trưởng, giá gạo bán lẻ tại Bangladesh đang ở mức thấp nhất trong khu vực và cần phải tăng lên 28 taka/kg để hỗ trợ chi phí sản xuất. Tháng 4/2012, chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm

Bangladesh thường xuất khẩu một lượng nhỏ gạo thơm sang Hoa Kỳ, Anh và Trung Đông.

Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp Bangladesh dẫn đầu về sản xuất gạo đạt kỷ lục với hơn 34 triệu tấn.

Nhâp khẩu gạo và lúa mì của nước này đạt mức cao nhất với 2,2 triệu tấn trong năm tài chính 2010/11, với số lượng gạo chiếm 1,3 triệu tấn. Trong năm tài chính vừa qua, kết thúc vào tháng 6, nhập khẩu gạo của Bangladesh giảm còn 350.000 tấn. 

Quốc gia Nam Á sản xuất gạo đủ cho dân số 160 triệu người, tuy nhiên thường phải nhập khẩu để đối phó với tình trạng thiếu hụt do thiên tai như lũ lụt và hạn hán.

WB sẵn sàng ứng phó biến động tăng giá lương thực

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Kim Yong Jim khẳng định WB sẵn sàng ứng phó hiệu quả trước biến động của giá lương thực tăng cao, đồng thời không để biến động tăng giá lương thực ngắn hạn phá hoại những thành quả dài hạn đã đạt được của những người nghèo và dễ tổn thương trên thế giới.  

Giá lương thực tăng vọt khiến nhiều gia đình nghèo không thể cho con đến trường, sử dụng các lương thực rẻ và ít dinh dưỡng khiến hàng triệu thanh thiếu niên bị tác động suốt đời về xã hội, thể chất và tinh thần.

 (T.H – Oryza, Reuters)