(VINANET) - Trị giá xuất khẩu gạo Thái Lan chắc chắn sẽ gây thất vọng

Hiệp hôi Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) cho biết khối lượng gạo xuất khẩu giảm có nghĩa là Thái Lan sẽ mất đáng kể nguồn thu nhập từ xuất khẩu cũng như những mối quan hệ với các khách hàng chính.

Chủ tịch TREA cho biết trừ khi chính phủ Thái Lan đạt được các mục tiêu xuất khẩu G2G (liên chính phủ), nếu không Thái Lan sẽ phải rớt xuống dưới Việt Nam và Ấn Độ về tổng khối lượng xuất khẩu trong năm nay, từ bỏ vị trí số 1 đã nắm giữ suốt hơn 25 năm qua.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo theo các hợp đồng G2G.

Theo chủ tịch TREA, giảm xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới quốc gia này. Bà cho biết Thái Lan có nguy cơ mất những khách hàng truyền thống chuyên mua gạo Thái cho Việt Nam và Trung Quốc, và thêm rằng sẽ rất khó khăn để Thái Lan lấy lại được những khách hàng đã mất đi.

Chính phủ Thái Lan luôn cho biết họ sẽ duy trì trị giá xuất khẩu gạo tăng trong năm nay chứ không phải khối lượng. Tuy nhiên, chủ tịch TREA cho biết Thái Lan sẽ chỉ xuất khẩu khoảng 6,5 đến 7 triệu tấn gạo nếu các hợp đồng G2G không trở thành hiện thực.

Xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2011 đạt 10,8 triệu tấn, trị giá khoảng 196 tỷ baht (khoảng 6,3 tỷ USD). Trong nửa đầu năm 2012 xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2,3 tỷ Baht (giá trung bình 667 USD/tấn). Nếu xuất khẩu 7 triệu tấn trong năm nay với mức giá trung bình đó thì tổng trị giá cũng chỉ khoảng 4,7 tỷ baht.

Chủ tịch TREA đề nghị chính phủ xuất kho dự trữ chính phủ cho các nhà xuất khẩu tư nhân, kể cả với giá thấp hơn giá mua, để cải thiện xuất khẩu và lấy kho chứa lúa mới, sẽ thu hoạch vào tháng 10.

Bangladesh có thể nhập khẩu gạo để tăng lượng dự trữ

Cơ quan Quản lý lương thực và dịch bệnh Bangladesh cho biết chính phủ nước này đang theo dõi chặt tình hình sản xuất lương thực tại những khu vực sản xuất gạo và có thể lựa chọn nhập khẩu gạo từ Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ nhằm tăng lượng dự trữ lương thực.

Dù tồn kho gạo tại nước này là đủ, chính phủ vẫn chuẩn bị mua gạo trong trường hợp khẩn cấp.

Những nước sản xuất gạo như Thái Lan và Việt Nam có gạo thặng dư mà họ cố gắng bán ra. Trong trường hợp khẩn cấp, Bangladesh có thể mua gạo từ những nước này.

Vào tháng 5, chính phủ nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thơm để dọn chỗ cho gạo mới và thúc đẩy giá trong lúc sản lượng gạo kỷ lục khoảng 34,25 triệu tấn trong năm 2011, tăng 3,16% so với năm 2010.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đã dẫn đến việc Bangladesh trì hoãn kế hoạch nối lại xuất khẩu gạo thường ( non- aroma) sau lệnh cấm kéo dài 3 năm. Tình trạng thiếu nước tại Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka; lụt lội và thời tiết bất thường tại Miến Điện, Thái Lan và Philippines trong những tuần gần đây đã làm tăng lo ngại rằng sản lượng gạo toàn cầu năm nay có thể giảm. Tại Bangladesh, vụ Aman (vụ đông) có thể bị ảnh hưởng do lượng mưa thấp tại khu vực phía bắc nước này.

Lệnh cấm nhập khẩu gạo non- aroma sẽ tiếp tục cho đến ít nhất tháng 11, khi vụ Aman cho thu hoạch.

Bangladesh có 3 vụ gạo: boro, aman và aus, lần lượt chiếm 56%, 38% và 6% sản lượng gạo quốc gia. Năm nay vụ Aman dự kiến sản lượng gạo hơn 13,3 triệu tấn gạo.

Cần sớm thành lập sàn giao dịch gạo kỳ hạn tại Singapore

Tổ chức nghiên cứu gạo thế giới (IRRI) kêu gọi thành lập sàn giao dịch gạo kỳ hạn khu vực châu Á tại Singapore nhằm giảm bớt rủi ro biến động giá gạo và đảm bảo thu nhập công bằng cho người nông dân.

Nghiên cứu cho biết biến động giá gây trở ngại cho sự phát triển thương mại các sản phẩm lương thực. Trong đó, nhân tố chính gây làm tăng giá lương thực là sự thiếu minh bạch trong thương mại khu vực và các hạn chế trên thị trường.

Tiến sĩ Samarendu Mohanty tại IRRI cho biết các sàn giao dịch gạo kỳ hạn đã có mặt tại Mỹ, Thái Lan và Nhật Bản. Tuy nhiên các sàn này hầu hết chỉ mang lại lợi ích cho các thương nhân nội địa, có tính thanh khoản thấp và đóng góp không đáng kể vào việc định giá gạo trên quy mô toàn cầu.

Ông Mohanty cho biết thị trường giao dịch gạo khu vực thường bị chi phối bởi các chính trị gia. Vì thế việc thành lập một thị trường gạo kỳ hạn tại Singapore sẽ đảm bảo tránh được tối đa sự can thiệp của chính phủ.

IRRI cũng cam kết sẽ hỗ trợ việc thành lập một sàn giao dịch như vậy bằng cách đào tạo các kiến thức chung cho nông dân, các nhà đầu tư, đồng thời tăng tính thanh khoản và hiệu quả của thị trường.

Tuy nhiên, ông cho biết, bất chấp những nỗ lực của IRRI, các nhà hoạch định chính sách khu vực vẫn đặt kế hoạch này ở tầm ưu tiên thấp.

(T.H – Reuters, Oryza)