(VINANET) - Malaysia mục tiêu giảm nhập khẩu gạo 10% vào 2020

Malaysia nhằm mục tiêu giảm 10% nhập khẩu gạo vào năm 2020, và tăng tỷ lệ tự cung lên 80% trong vòng 8 năm, từ mức 70% hiện nay.

Bộ trưởng Nông nghiệp Malaysia cho biết nước này có thể giảm 10% nhập khẩu gạo nếu tăng năng suất từ 3,85 tấn/ha hiện nay lên 5 tấn.

Malaysia sản xuất khoảng 1,7 triệu tấn gạo mỗi năm, nhưng phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu khoảng 2,7 triệu tấn.

Indonesia: Nông dân và các tổ chức thực phẩm phản đối việc phụ thuộc vào giống lúa lai nhập khẩu

Nông dân và các tổ chức thực phẩm ở Indonesia ngày càng lo ngại về việc quốc gia này ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các loại hạt giống lúa lai nhập khẩu mà họ cho rằng dang làm mất dần các giống lúa truyền thống.

Indonesia là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất, và chính phủ đã chi gần 5,7 tnghiì tỷ rupiah (khoảng 604,2 triệu USD) để trợ cấp cho việc nhập khẩu các giống lúa lai. Tuy nhiên, ngành thực phẩm trong nước cho biết việc sử dụng các giống lúa lai một cách thiếu kiểm soát đang ảnh hưởng xấu tới sản lượng lúa gạo nước nhà.

Đại diện của Liên minh Chủ quyền Lương thực Nhân dân (KRKP) cho biết ông đã thấy rằng nhiều giống lúa lai nhập khẩu cho năng suất thấp hơn các giống lúa nội địa, và cũng kháng sâu bệnh kém hơn.

Một số nông dân cho biết sử dụng hạt giống lúa lai nhập khẩu cho năng suất tốt trong vụ thu hoạch đầu, nhưng sau đó chi phí sản xuất tăng mạnh do phải tăng sử dụng thuốc trừ sâu.

Sản lượng lúa Colombia sẽ tăng 6%

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết sản lượng lúa Colombia năm 2012 sẽ đạt khoảng 2,7 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với năm 2011.

FAO đã tính tới cả vụ lúa chính đang thu hoạch (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng) và vụ phụ sẽ thu hoạch vào tháng 11.

FAO ước tính sản lượng năm nay sẽ được hưởng lợi nhờ thời tiết ôn hoà sau khi thời tiết rất xấu đã ảnh hưởng tới năng suất năm 2011.

Ấn Độ sẽ xem xét lại chính sách xuất khẩu gạo vào giữa tháng 8 nếu vẫn thiếu mưa

Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ hôm 16-7 cho biết chính phủ nước này có thể phải xem lại chính sách xuất khẩu trong tuần thứ 2 của tháng 8 nếu tình trạng mưa hiện nay còn tiếp diễn.

Mùa mưa tại Ấn Độ năm nay đến muộn hơn 2 tuần và tổng lượng mưa thiếu hụt đã lên tới 22%. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Nông nghiệp phải thừa nhận rằng thiếu mưa này có thể gây hại đến một vài vùng trồng trọt trong nước, bao gồm cả lúa gạo.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết còn quá sớm để hạn chế việc xuất khẩu gạo. Chính phủ nước này hiện đang dự trữ một lượng lớn ngũ cốc, sẵn sàng trong trường hợp có hạn hán xảy ra. Tính tới ngày 1/7/2012, kho dự trữ ngũ cốc của Ấn Độ đã chứa tới 80 triệu tấn, trong đó có khoảng 30 triệu tấn gạo, trong khi lượng dự trữ yêu cầu chỉ là 14,2triệu tấn.

Gạo thơm Việt Nam sẽ thay thế gạo Thái Lan ở Hongkong

Năm 2012, gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam có thể chiếm 50%, thậm chí 60% thị phần Hongkong (Trung Quốc), qua đó, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này, thay thế Thái Lan.

Do chất lượng gạo thơm và gạo cao cấp của Việt Nam ngày càng được cải thiện dần so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan trong khi giá gạo của Việt Nam lại cạnh tranh hơn gạo Thái Lan (gạo thơm Thái Lan từ 1.020-1.030 USD/tấn, gạo thơm Việt Nam từ 615-625 USD/tấn; gạo chất lượng cao 100% B của Thái Lan từ 595-605 USD/tấn, gạo chất lượng cao 5% tấm của Việt Nam 400-410 USD/tấn). 5 tháng đầu năm 2012, thị phần gạo thơm và cấp cao Việt Nam chiếm 35%, đạt 40,4 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp cần phải kiên quyết từ chối việc trộn gạo 5% vào gạo thơm nếu có nhà nhập khẩu yêu cầu. Nếu không, gạo thơm Việt Nam sẽ bị mất uy tín với người tiêu dùng tại đây.

Hạn hán đe dọa vụ mùa lúa ở Nam và Đông Nam Á

Tình trạng thiếu mưa ở một số nước sản xuất lúa gạo Nam và Đông Nam Á đang trở nên ngày càng trầm trọng, đe dọa sản lượng lúa gạo năm nay.

Theo những báo cáo mới nhất, khoảng 18.000 ha đất trồng lúa ở Java đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước. Trầm trọng hơn, các quan chức nông nghiệp Indonesia cho biết hạn hán đã ảnh hưởng tới nhiều diện tích lúa non độ tuổi từ 30 đến 60 ngày, và khả năng sẽ có thêm nhiều diện tích lúa nữa bị hạn hán.

Ở Pakistan, thiếu nước tại Sindh đã ảnh hưởng tới khoảng 50% diện tích lúa. Sindh là khu vực trồng lúa chính của nước này, và có gần 2,2 triệu ha đất dành cho trồng lúa, trong khi cả nước chỉ có 2,8 triệu ha.

Tại Ấn Độ, lo sợ về hạn hán ngày càng gia tăng bởi sau khi một số nơi có mưa vào tuần đầu tháng 7 nhưng nay không còn mưa nữa. Tháng 6 Ấn Độ thiếu khoảng 31% lượng mưa, sang tháng 7 cải thiện chút ít giúp nông dân trồng lúa, nhưng đang có nguy cơ hạn hán trở lại.

(T.H – Oryza/Reuters)