(VINANET) - Các nhà xuất khẩu Thái lan chiến thắng chính phủ với giá bỏ thầu thấp, chính phủ lên kế hoạch mới bán 500.000 tấn

Chính phủ Thái Lan đang chịu áp lực ngày càng gia tăng buộc phải bán gạo dự trữ cho các nhà xuất khẩu, sau khi cuộc bán đấu giá thử nghiệm 250.535 tấn tuần qua thất bại bởi không hấp dẫn được các nhà xuất khẩu.

Chính phủ đã huỷ cuộc thầu tuần qua, bởi các nhà xuất khẩu bỏ “giá thấp không thể chấp nhận được”, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương cho biết. Ông thêm rằng sẽ sớm thực hiện một cuộc đấu thầu mới với khối lượng lớn hơn, 500.000 tấn.

Các nhà xuất khẩu Thái nhiều tháng nay đã ở trong tình trạng rất khó khăn bởi chương trình thu mua của chính phủ đẩy giá nội địa lên cao một cách bất hợp lý, với mức chênh lệch cao hơn tới 200 đô la mỗi tấn so với các xuất xứ khác. Xuất khẩu gạo Thái vì thế đã giảm khoảng 40-45% mỗi tháng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ nước này vẫn tuyên bố điều đó không đáng lo ngại.

Theo chương trình thu mua dự trữ, chính phủ Thái trả giá 15.000 baht (khoảng 470 USD) cho mỗi tấn lúa, trong khi nguồn tin trong nước cho biết các nhà máy xay xát Thái chỉ mua với giá 9.000 baht (khoảgn 282 USD/tấn).

Hiện giá gạo 5% tấm của Thái giá khoảng 590 USD/tấn, so với giá gạo 5% tấm của Việt Nam 405 USD/tấn và gạo cùng loại của Ấn Độ 445 USD/tấn.

Thời điểm lý tưởng để Thái Lan tăng cường xuất khẩu gạo

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Thái Lan dự kiến xuất khẩu gạo nước này sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, bởi các đối thủ là Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar và Campuchia đã xuất khẩu gần hết lượng dự trữ. Phó Thủ tướng cho biết đã đến thời điểm lý tưởng để Thái Lan bắt đầu tăng cường xuất khẩu gạo, và góp phần đẩy tăng giá.

Tuy nhiên, các quan sát viên cho biết xuất khẩu gạo của Thái lan sẽ chỉ được cải thiện nếu gạo xuất khẩu cũng được trợ cấp. Nguồn tin trong nước cho biết các nhà nhập khẩu truyền thống của Thái đã chuyển sang Ấn Độ và Việt Nam, và chưa chắc sẽ sớm quay lại với Thái Lan. Họ cũng cho biết cả hai quốc gia này vẫn còn lượng tồn trữ lớn, vậy nên giá gạo năm nay chưa chắc sẽ tăng.

Các quan sát viên cũng bàn tán về mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2012 của Thái, và kỳ vọng vào những hợp đồng liên chính phủ. Được biết Philippine đã từ chối mua gạo Thái bởi giá cao, Bangladesh năm nay có vụ mùa bội thu. Thái Lan nay chỉ cò hy vọng vào Indonesia. Tuy nhiên, nguồn tin trong nước cho biết rấta ít khả năng Indonesia sẽ mua gạo Thái đắt đỏ, khi mà gạo Việt Nam chất lượng tốt mà giá rẻ hơn tới 200 USD/tấn. Campuchia và Ấn Độ cũng sẽ xuất khẩu gạo sang Indonesia.

Bộ Thương mại Ấn Độ đề xuất xoá bỏ giá xuất khẩu tối thiểu với gạo basmati

Bộ Thương mại Ấn Độ đã đề nghị chính phủ xoá bỏ giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) đối với gạo basmati để đẩy tăng xuất khẩu, và giúp các nhà xuất khẩu gạo nước này cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ niên vụ 2011-12 tăng lên 2,6 triệu tấn, tăng 18% so với 2,2 triệu tấn năm 2010-11. Bộ Thương mại tính toán rằng xoá b ỏ MEP sẽ còn đẩy tăng hơn nữa xuát khẩu loại gạo này.

Đầu năm nay, chính phủ đã giảm MEP cho gạo basmati từ 900 USD/tấn xuống 700 USD/tấn, gần tương đương với giá trong nước ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu cho rằng không cần thiết phải áp MEP nữa sau khi xuất đã cho phép khẩu gạo phi-basmati từ cuối năm ngoái – sau 3 năm cấm đoán.

Pakistan sẽ tăng cường xuất khẩu dầu cám gạo

Các thương gia và các chuyên gia Pakistan thúc giục các công ty chế biến tăng cường sử dụng cám gạo để sản xuất dầu ăn – có tiềm năng thu hàng triệu USD cho quốc gia này.

Tại hội thảo do Cơ quan Phát triển Thương mại Pakistan tổ chức, các chuyên gia cho biết Pakistan có công suất dầu cám gạo cao, và gạo có chất lượng cao, song cho tới nay thị phần của Pakistan trên thị trường dầu cám gạo quốc tế hầu như không đáng kể, không gióng như Nhật Bản hay Ấn Độ - xuất khẩu hàng tỷ USD dầu cám gạo mỗi năm.

Các chuyên gia cho biết Pakistan có thể dễ dàng bắt đầu xuất khẩu 200.000 tấn dầu cám gạo, bởi loại dầu này có lợi cho sức khoẻ và giá trên thị trường quốc tế hiện rất cao.

Giống lúa mới Bangladesh cho năng suất tăng 8%

Các nhà khoa học Bangladesh cho biết hạt giống lúa mà Viện Nghiên cứu Lúa gạo Bangladesh (BRRI) cung cấp cho nông dân ở bờ biển phía nam đã giúp họ nâng sản lượng gạo tăng 8%.

Miền nam Bangladesh là nơi thường bị lũ lụt, ảnh hưổng lớn tới năng suất lúa. Đầu năm nay, BRRI thông báo họ đã phát triển một số giống lúa kháng mặn và chịu lụt, nhằm tăng năng suất ở khu vực này. Cho tới nay, giống lúa này đã được cung cấp cho gần 100.000 nông dân.

Các nhà khoa học cho biết Bangladesh phải tăng năng suất lúa từ 2,74 tấn/ha hiẹn nay lên trên 3,74 tấn mới đảm bảo lương thực quốc gia vào năm 2020.

Tài khoá này, nhập khẩu ngũ cốc lương thực vào Bangladesh đã giảm 56% nhờ sản lượng gạo bội thu, tiết kiệm cho quốc gia 1 tỷ USD. Năm tới, Bangladesh đặt mục tiêu giảm nhập khẩu gạo xuống 300.000 tấn, từ mức 600.000 tấn năm nay. Năm 2011, Bangladesh nhập khẩu 1,5 triệu tấn.

Nepal sẽ xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 7

Nepal sẽ xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo kéo dài đã 4 năm nay vào tài khoá tới, bắt đầu từ giữa tháng 7.

Nepal đã áp lệnh cấm từ năm 2008, trong bối cảnh sản lượng trong nước thấp và khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, đất nước Hymalây này đã có dư 443.000 tấn trong tài khoá 2010/11, và có thêm 300.000 tấn trong tài khoá này.

Theo nguồn tin trong nước, sản lượng lúa Nepal dự kiến tăng gần 10% lên 9,45 triệu tấn trong tài khoá hiện tại.

Một quan chức Bộ Thương mại và Cung ứng Nepal cho biết chính phủ hy vọng sẽ xuất khẩu được 100.000 tấn gạo trong tài khoá tới, nhưng có thể sẽ chỉ được phép xuất làm 2 đợt, mỗi đợt 50.000 tấn.

Việc xoá bỏ lệnh cấm dự kiến sẽ làm giảm lượng buôn lậu sang Trung Quốc, và hai cửa khẩu có thể sẽ được mở cho xuất khẩu gạo là Tatopani và Rasuwa, cả 2 đều là biên giới với Trung Quốc.

(T.H – Oryza, Reuters)