(VINANET) - USDA: Tăng dự báo về nhập khẩu gạo Trung Quốc, giảm về Indonesia

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo mỗi năm trong hai niên vụ 2011-2012 và 2012-2013, tăng khoảng 500.000 tấn so với dự báo trước đây, bởi theo nguồn tin chính thức thì nhiều diện tích sản xuất lúa ở Trung Quốc bị sâu bệnh tàn phá.

Tuy nhiên, dự báo về nhập khẩu vào Indonesia niên vụ 2011-2012 được điều chỉnh giảm 700.000 tấn xuống 1,25 triệu tấnm “dựa trên cơ sở nguồn cung nội địa lớn, sức mua yếu cho đến thời điểm này, và những nhận định của Cao uỷ Nông nghiệp Mỹ ở Jakarta”. Tuy nhiên trong năm tới, USDA dự báo Indonesia sẽ tăng nhập khẩu gạo thêm 50.000 tấn so với dự báo trước, lên 1,45 triệu tấn vào năm 2013.

Dự trữ gạo Philippine giảm 26%

Dự trữ gạo Philippine đã giảm gần 26% so với mức 3,09 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, và giảm khoảng 14% so với mức 2,67 triệu tấn hôm 1-5-2012.

Theo Cơ quan Thống kê, dự trữ gạo thương phẩm chiếm khoảng 33%\ hay 750.390 tấn trong tổng lượng dự trữ, còn dự trữ ở các hộ gia đình đạt 882.050 tấn, chiếm gần 38%. Phần còn lại 29% (654.870) trong kho của Cơ quan Lương thực Quốc gia.

Lượng dự trữ hiện nay có thể đáp ứng nhu cầu trong 67ngày.

Indonesia sẽ đáp ứng đủ nhu cầu gạo trong nước

Giám đốc Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog), Sutarto Alimoeso, người đứng đầu cho biết nước này đảm bảo đáp ứng nhu cầu gạo trong nước và đủ dự trữ gạo năm 2012, mặc dù tiêu thụ lương thực dự kiến như thường lệ sẽ tăng trong tháng lễ chay Ramadan năm nay, kéo dài một tháng từ khoảng cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám.

Theo ông Sutarto Alimoeso, sản lượng gạo năm nay của Indonesia có thể tăng tới 4,3%, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, và không những đáp ứng nhu cầu mà còn dư thừa tới 5 triệu tấn.

Đây cũng là một tín hiệu tốt cho việc hoàn thành và có khả năng hoàn thành sớm mục tiêu do chính phủ đề ra đảm bảo tự cung cấp đủ lương thực vào năm 2014 và dư cung 10 triệu tấn gạo vào năm 2015.

Dự trữ gạo của Bulog hiện ở mức gần 2,7 triệu tấn, đủ đáp ứng nhu cầu gạo trong nước trong ba tháng.

Sản xuất lúa gạo ở Indonesia tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đông Java (chiếm 33% tổng sản lượng của cả nước), Trung Java (27%), Tây Java (17%), Nam Sulawesi, 14%, và Tây Nusa Tenggara, 5%.

Ấn Độ: Xuất khẩu gạo basmati đạt kỷ lục

Nhu cầu gạo basmati, đặc sản Ấn Độ tăng mạnh khi lễ hội ăn chay Ramadan sắp đến, xuất khẩu loại gạo này đã chạm mức kỷ lục 3,21 triệu tấn.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới với tổng lượng xuất khẩu bao gồm gạo basmati và phi basmati đạt 7,3 triệu tấn niên vụ 2011-2012.

Trong đó, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ đạt 3,21 triệu tấn, tăng so với khối lượng xuất khẩu 2,18 triệu tấn năm ngoái.

Niên vụ 2011-2012, Ấn Độ đã sản xuất khoảng 7,5 triệu tấn gạo basmati. Giá loại gạo này trên thị trường thế giới hiện dao động ở 1.100-1.150 USD/tấn, tăng mạnh so với mức giá 800-900 USD/tấn trước đó.

Đồng rupee mất giá so với USD là nhân tố tạo ra sức cạnh tranh cho xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Lợi nhuận từ xuất khẩu gạo của nước này tăng 29% so với năm ngoái lên 3,22 tỷ USD.

Điều này đã khuyến khích người dân trồng nhiều gạo basmati hơn trong niên vụ 2012-2013. Hơn nữa, lượng nước cần thiết để trồng loại lúa này chỉ bằng một nửa so với các giống lúa thường khác, càng phù hợp hơn khi hiện nay Ấn Độ đang thiếu mưa.

Việc dỡ bỏ mức giá xuất khẩu tối thiểu và việc Trung Quốc quyết định nhập khẩu gạo basmati cũng là các yếu tố khuyến khích người dân tăng cường trồng trọt.

Hàn Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo từ năm 2012

Hàn Quốc có kế hoạch áp thuế cao hơn đối với nhập khẩu gạo bắt đầu từ năm tới, sớm hơn dự kiến trước đó là ​​từ năm 2015, phương tiện truyền thông địa phương đã đưa tin hôm thứ ba.

Đất nước này đang tìm cách áp đặt mức thuế cao hơn vào gạo nhập khẩu thay vì hạn chế hạn ngạch hiện nay theo hệ thống tiếp cận thị trường tối thiểu (MMA), với các kho dự trữ gạo ngày càng nhiều và tiêu thụ lúa gạo trong nước giảm mạnh.

Bộ nông nghiệp, đã đưa ra kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy ngành lúa gạo trong nước, tin rằng thuế suất cao hơn sẽ giúp kiểm soát được việc nhập khẩu gạo và do đó bảo vệ được ngành lúa gạo.

Bộ cho biết quyết định này nhằm mục đích khuyến khích tiêu thụ gạo trong nước và mở rộng xuất khẩu gạo từ 50.000 tấn hiện nay lên 100.000 tấn vào năm 2015 như một phần của kế hoạch 5 năm.

(T.H – Oryza, Reuters)