(VINANET) - Xuất khẩu gạo Thái lan năm 2012 sẽ thấp hơn 3 triệu tấn so với mục tiêu

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết xuất khẩu gạo nước này năm nay sẽ chỉ đạt tối đa 7 triệu tấn, với trị giá giảm khoảng 35% so với năm ngoái. Xuất khẩu từ đầu năm tới 25-6 đạt khoảng 3,35 triệu tấn, giảm khoảng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Bộ Thương mại vẫn khẳng định xuất khẩu sẽ cải thiện vào nửa cuối năm nay, bởi họ tin rằng Ấn Độ và Việt Nam đã xuất đi phần lớn lượng gạo họ có.

Chủ tịch danh dự của TREA cho biết, nhìn vào khối lượng xuất khẩu 3,5 triệu tấn trong nửa đầu năm, thì để đạt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn trong năm 2012, mỗi tháng sắp tới Thái Lan sẽ phải xuất khẩu 1 triệu tấn. Điều đó xem ra quá khó khi mà lượng tồn trữ dư thừa ở Việt Nam và Thái Lan rất cao, mà giá gạo Thái lại cao hơn các nước kia do chương trình thu mua của chính phủ. Ông thêm rằng Nigeria tăng thuế nhập khẩu gạo bắt đầu từ tháng 7 sẽ càng bất lợi cho xuất khẩu gạo Thái Lan những tháng sắp tới.

Năm 2008-09, Thái Lan đã ừng xuất khẩu 1 triệu tấn gạo mỗi tháng. Tuy nhiên, đó là giai đoạn Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, và giá gạo VN chỉ rẻ hơn 10-30 USD/tấn so với gạo Thái, còn chênh lệch giá bây giờ lên tới 100-200 USD/tấn.

Ông dự đoán từ nay tới cuối năm, mỗi tháng Thái Lan sẽ xuất khẩu 500.000 tấn gạo, đưa tổng lượng xuất khẩu cả năm lên 6,5-7 triệu tấn. USDA ước tính xuất khẩu gạo Thái sẽ đạt tổng cộng khoảng 6,5 triệu tấn năm 2012, còn FAO dự đoán là 7,5 triệu tấn.

Việt Nam sẵn sàng giúp Namibia sản xuất lúa gạo

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia sang giúp Namibia trồng lúa để nước này có thể đáp ứng đủ lương thực và tiến tới xuất khẩu.

Tại buổi hội đàm với Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Lâm nghiệp Cộng hòa Namibia diễn ra ngày 28/6 tại Hà Nội, hai bên đã nhất chí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và lâm nghiệp. Cụ thể là sản xuất và chế biến lúa gạo; trao đổi chuyên gia nông nghiệp; hợp tác nông nghiệp và xuất khẩu thịt bò của Namibia sang Việt Nam; đào tạo và trao đổi kỹ thuật viên nông nghiệp; hợp tác trồng cao su.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Lâm nghiệp Namibia Peter Iilonga cho biết, Việt Nam và Namibia đã có những hợp tác từ lâu và mong muốn được Việt Nam tiếp tục hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng lúa và thủy sản. Đồng thời, xem xét và chỉnh sửa để ký lại Bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác mới.

Ông Peter Iilonga cho biết, trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác ba bên với Cộng hòa Namibia và FAO, Việt Nam đã cử các chuyên gia sang Namibia giúp trong lĩnh vực nuôi thủy sản và bước đầu đã thu được những kết quả tốt.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, Việt Nam và châu Phi có tiềm năng to lớn trong hợp tác nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn coi trọng hợp tác với châu Phi nói chung và Namibia nói riêng. Tính đến nay, Việt Nam đã ký hơn 30 điều ước và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, vệ sinh thú y, bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật với các quốc gia châu Phi như Angola, Mozambique, Ai Cập, Libya, Namibia, Sudan, Sierra Leone.

Mặc dù cả Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi mong muốn đẩy mạnh hợp tác, song quy mô quan hệ song phương hiện này hiện chưa đáp ứng được với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước.

Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và một số quốc gia châu Phi còn triển khai các dự án hợp tác ba bên và hợp tác Nam-Nam. Với sáng kiến của FAO và Cộng hòa Pháp về chương trình an ninh lương thực đặc biệt cho những nước thiếu lương thực và có thu nhập thấp trong khuôn khổ Hợp tác Nam-Nam; sự hợp tác về chuyên gia nông nghiệp giữa Việt Nam và một số nước châu Phi đã được thiết lập và phát triển với nội dung giúp nông dân châu Phi xây dựng các mô hình trồng lúa, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật chọn con giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa... và tìm nguồn kinh phí hỗ trợ của nước thứ ba.

Theo ông Diệp Kỉnh Tần, từ năm 1996 - thời điểm Việt Nam ký Hiệp định hợp tác Nam-Nam đầu tiên với Senegal đến nay, Việt Nam đã ký được tám chương trình hợp tác với các nước như Senegal, Madagascar, Guinea, Mali và các chương trình này đều đã mang lại đạt hiệu quả tốt, đặc biệt trong sản xuất lúa gạo tại châu Phi.

Thái lan với sáng kiến cartel gạo ASEAN

Thái Lan muốn bắt tay với các nước sản xuất gạo khác trong khu vực ASEAN để thiết lập tiêu chuẩn lúa gạo, giảm sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực, và nhằm tăng giá xuất khẩu gạo của các nước trong khu vực.

Thái Lan cho rằng việc xây dựng một cartel các nước sản xuất gạo ASEAN là rất cần thiết để đẩy giá gạo khu vực tăng lên về lâu dài.

Điều này cũng đặc biệt quan trọng với Thái Lan lúc này, khi mà xuất khẩu gạo năm nay đã giảm trên 40% do giá cao bởi chương trình thu mua tạm trữ của chính phủ.

Xuất khẩu gạo VN giảm xuống 3,68 triệu tấn

Theo Bộ Nông nghiệp, xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm nay ước giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 3,68 triệu tấn.

Giá gạo tiếp tục có xu hướng giảm so với đầu năm. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo năm nay có nhiều thay đổi, trong đó thị trường Trung Quốc tăng mạnh, gấp 4,6 lần về lượng và 3,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Thị trường Malaysia cũng duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng tích cực tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống.

Châu Phi là nhóm thị trường có tăng trưởng vượt bậc trong đó có Cote d'Ivoire, Ghana và Senegal giúp tiêu thụ gạo phẩm cấp trung bình của Việt Nam.

(T.H – Reuters, Oryza)