(VINANET) - Ấn Độ có thể vượt Thái Lan và VN về xuất khẩu gạo

Ấn Độ có thể trở thành nước xuất gạo hàng đầu thế giới trong năm nay, với xuất khẩu gạo phi-basmati từ 9-9-2011 đến 4-6/2012 đạt 5 triệu tấn.

Ấn Độ tái xuất hiện trên thị trường thế giới từ tháng 9 năm ngoái sau khi áp lệnh cấm 3 năm. Trong 3 tháng cuối năm 2011, Ấn Độ xuất khẩu 2 triệu tấn gạo phi – basmati,  xuất tiếp 3 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm nay, và vẫn đang cạnh tranh tốt với các đối thủ Thái Lan và Việt Nam. Ngoài gạo phi-basmati, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 2-2,5 triệu tấn gạo basmati mỗi năm. Năm nay, xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ chăc schắn sẽ tăng sau khi nhu cầu tăng từ Iraq, Iran và nhu cầu mới từ Trung Quốc.

Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái lan, đặt mục tiêu xuất khẩu 9 triệu tấn gạo năm nay, nhưng có thể sẽ chỉ xuất được khoảng 6,5 triệu tấn, theo dự báo của USDA. Giá gạo Thái cao đã làm giảm 44% xuất khẩu gạo so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức khoảng 5,5 triệu tấn xuống khoảng 3 triệu tấn từ 1-1 đến 8-6.

Xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm 2012 đến 20-6 đạt gần 3 triệu tấn. Mục tiêu xuất khẩu gạo chính thức của Việt Nam là từ 6-6,5 triệu tấn.

USDA dự báo Ấn Độ sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo trong năm 2012, bao gồm khoảng 2,5 triệu tấn basmati. Sau khi xuất khoảng 3 triệu tấn gạo phi-basmati tới nay, Ấn Độ sẽ xuất thêm khoảng 2,5 triệu tấn loại này từ nay tới cuối năm.

Indonesisa sẽ không nhập khẩu gạo vì có dư 5,5 triệu tấn

Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết nước này chưa chắc sẽ phải nhập khẩu gạo trong năm 2012, và dự kiến sẽ có dư 5,5 triệu tấn tính tới cuối năm.

Sản lượng thóc Indonesia dự kiến tăng 4,3% trong năm nay nhờ thời tiết tốt. Năm ngoái nước này bị mất mùa do sâu bệnh và thời tiết xấu.

Bulog thường duy trì lượng dự trữ 1,5 triệu đến 2 triệu tấn.

Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất  Đông Nam Á này đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn gạo từ Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ để đảm bảo đủ lượng dự trữ và tránh lạm phát giá lương thực leo thang.

Tính tới giữa năm nay, lượng dự trữ của Bulog đã đạt 2,376 triệu tấn, và cơ quan này đặt mục tiêu mua 4,1 triệu tấn từ nông dân trong cả năm nay.

Mỗi tháng Indonesia tiêu thụ 2,7 triệu tấn gạo và tiếp tục tăng, hiện đạt trên 139 kg (306 lb)/người/năm, cao nhất thế giới. Indonesia đã từng tự cung tự cấp được gạo vào đầu thập niên 1980, nhưng sau đó sản lượng giảm dần bởi diện tích đất nông nghiệp bị co hẹp trong khi dân số bùng nổ.

Sản lượng gạo Philippine nửa đầu 2012 tăng 5%

Theo một quan chức chính phủ Philippine, sản lượng gạo nước này 6 tháng đầu năm 2012 chắc chắn tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ thời tiết thuận lợi.

Bangladesh khôi phục xuất khẩu gạo thơm sau 3 năm

Bangladesh đã bắt đầu xuất khẩu gạo thơm trở lại sau 3 năm cấm, chủ yếu để lấy chỗ chứa gạo vụ mới – năm nay dự kiến sẽ bội thu.

Nguồn tin trong nước cho biết các nhà xuất khẩu đã bắt đầu chở gạo sang Trung Đông, Anh, Mỹ, Austra và nhiều nước khác để đáp ứng nhu cầu của người nhập cư.

Bangladesh thường xuất khẩu khoảng 2.000 tấn gạo thơm mỗi năm, nhưng đã cấm từ năm 2008 trong bối cảnh các nhà xuất khẩu đã xuất gạo đồ nhưng dán nhãn gạo thơm. Tuy nhiên, nhiều vụ mùa liên tiếp bội thu và thiếu kho chứa nên việc giữ gạo lại trở nên khó khăn.

Sản lượng gạo Banglades trong niên vụ 2011-12 tăng lên kỷ lục 35 triệu tấn, từ mức 34,25 triệu tấn năm ngoái.

Xuất khẩu lúa Guyana vượt 140.000 tấn

Guyana đã xuất khẩu 141.000 tấn thóc từ đầu năm tới nay, trong đó khoảng 45.000 tấn sang Venezuela.

Bộ Nông nghiệp Guyana dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trong những tháng tới. Năm 2011 nước Nam Mỹ này xuất khẩu khoảng 300.000 tấn lúa.

Bộ cho biết nhu cầu từ Venezuelan đã đẩy giá tăng lên. Xuất 141.000 tấn đã đem về cho Guyana hơn 83 triệu USD, với giá trung bình 590 USD/tấn, tăng khoảng 70 USD/tấn so với 520 USD/tấn năm ngoái.

(T.H – Oryza, Reuters)