(VINANET) - Uruguay: Diện tích trồng lúa trì trệ vào năm tới

Theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và nghề Cá Uruguay, diện tích trồng lúa nước này chắc chắn sẽ vẫn giữ ở mức 181.400 hécta năm 2012-12, bằng diện tích của năm 2011-12 và giảm 7,4% so với năm 2010-11.

Thời tiết xấu, thiếu nước và giá mua của chính phủ thấp là những lý do chính khiến diện tích trồng lúa giảm.

Đầu tháng, Cục Thống kê Nông nghiệp Uruguay cho biết giá thu mua lúa vào khoảng 12,02 USD/50kg (khoảng 240 USD/tấn) trong vụ 2011-12, giảm khoảng 3% so với 12,45 USD/50 kg (khoảng 250 USD/tấn) vụ 2010-11.

Sản lượng lúa Uruguay vụ 2011-12 dự báo đạt 1,4 triệu tấn, giảm 12,5% so với 1,6 triệu tấn vụ 2010-11.

Trong khi đó, Cục Xúc tiến Xuất khẩu cho biết xuất khẩu đã tăng trong nửa đầu tháng 7, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2011, do nhu cầu tăng từ Peru và Brazil.

Trung Quốc: Sâu bệnh không ảnh hưởng nhiều tới sản lượng, nhập khẩu tăng bởi chênh lệch giá

Trong báo cáo công bố tháng 7, tuỳ viên Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) giữ nguyên dự báo sản lượng gạo năm nay của Trung Quốc như dự báo tháng trước đó, tuy nhiên cho biết vẫn còn quá sớm để xác định mùa màng sẽ bị thiệt hại như thế nào bởi sâu bệnh và côn trùng sau đợt mưa quá nhiều.

Tháng trước, có những báo cáo cho biết mùa lúa Trung Quốc bị dịch bệnh và côn trùng tấn công. Tháng 7 Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã yêu cầu các Sở Nông nghiệp các tỉnh giúp đỡ bà con kiểm soát không để sâu bệnh lây lan. Diện tích lúa bị sâu bệnh ở Trung Quốc năm nay nhiều hơn 40% so với năm ngoái, và Bộ dự kiến mức độ thiệt hại sẽ dưới 5%.

Nhập khẩu gạo của Trung Quốc niên vụ 2011-2012 và niên vụ 2012-2013 đều tăng 1,5 triệu tấn do giá ở Trung Quốc cao hơn giá ở những thị trường khác, khiến việc nhập khẩu trở nên có lời.
Trung Quốc nhập gạo chủ yếu từ Việt Nam và Pakistan đầu năm nay, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh phía nam.

Thái Lan đàm phán về tăng hạn ngạch xuất khẩu gạo

Thái Lan bắt đầu đàm phán về tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo vào Philippines lên hơn 100.000 tấn, bù lại việc Manila quyết định duy trì biểu thuế nhập khẩu cao 5 năm tới.

Vụ Trưởng đàm phán thương mại Thái Lan Srirat Rastapana ngày 1/8 cho biết, việc xuất khẩu gạo của Thái Lan vào Philippines sẽ có kết quả tốt nhờ nhu cầu đang gia tăng của nước này.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Thỏa thuận Tự do Thương mại ASEAN (AFTA), Philippines sẽ phải thực hiện nghĩa vụ đền bù nếu tiếp tục duy trì biểu thuế nhập khẩu cao.

Philippines gần đây đã đề nghị WTO cho phép nước này tiếp tục giữ biểu thuế nhập khẩu gạo ở mức 40% đến năm 2017, đổi lại nước này sẽ phải tăng hạn ngạch nhập khẩu đối với các nước đang xuất khẩu gạo vào Philippines.

Nhật Bản: Sản lượng gạo có thể giảm 25% nếu nước này gia nhập vào Hiệp ước Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương

Ngành nông nghiệp Nhật Bản đang cố gắng ngăn cản chính phủ nước này gia nhập vào Hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì cho rằng gạo nước này không thể cạnh tranh được với gạo thế giới khi các rào cản thương mại bị dỡ bỏ. Nhật Bản hiện đánh thuế 800% lên gạo nhập khẩu.

Theo hãng nghiên cứu Norinchukin, sản lượng gạo Nhật sẽ giảm 25% khi người dân Nhật chuyển sang mua gạo giá rẻ hơn từ Australia. Mỹ, New Zealand. Hãng này cũng cho biết không chỉ gạo mà các mặt hàng nông sản khác như lúa mỳ, đường, thịt bò của Nhật Bản đều không thể cạnh tranh với thế giới dưới cơ chế mở của TPP.

Một vài chuyên gia cho rằng các nhà trồng lúa Nhật Bản vẫn có thể cạnh tranh nếu tăng quy mô  trồng lúa lên gấp đôi và cơ giới hóa việc trồng trọt. Tuy nhiên địa hình đồi núi của nước này khó có thể trồng trọt ở quy mô lớn.

Cà Mau xây dựng sản phẩm gạo thành thương hiệu mạnh

Tỉnh Cà Mau quy hoạch đầu tư phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo hướng nông nghiệp hàng hoá; trong đó, tỉnh xác định sản phẩm gạo là một trong những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, có thương hiệu mạnh trên thương trường trong nước và quốc tế. Đây là hướng đi đúng, vì Cà Mau là địa phương có thế mạnh về sản xuất lương thực, trong đó chủ yếu là cây lúa.

Tỉnh xác định mục tiêu phát triển là sản xuất lúa gạo của Cà Mau không chỉ đáp ứng nhu cầu cung cấp cho 1,2 triệu dân trong tỉnh mà phải có gạo xuất khẩu với sản lượng cao hơn mức 10-20 tấn như hiện nay, phù hợp với lợi thế và tiềm năng lương thực của địa phương.

Chiến lược phát triển lương thực nói chung, phát triển cây lúa nói riêng của tỉnh Cà Mau là: Xác định cây lúa là loại cây trồng được ưu tiên số một. Diện tích sản xuất lúa tuy không tăng, nhưng năng suất, chất lượng sẽ tăng gấp đôi. Để đạt mục tiêu này, Cà Mau tập trung đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa - tôm; mở rộng cánh đồng sản xuất lúa sạch để xuất khẩu. Tỉnh mở rộng diện tích trồng lúa 2 vụ và phấn đấu đến năm 2015, năng suất lúa bình quân đạt 5 tấn/ha.

(T.H – Oryza, Reuters)