(VINANET) - Thái lan có thể điều chỉnh kế hoạch mua gạo cho vụ tháng 10

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết nước này có thể hạn chế khối lượng mua lúa của dân hoặc hạn chế mức tiền thanh toán cho mỗi tấn trong vụ tháng 10 tới.

Kế hoạch thu mua lúa của dân đã vấp phải nhiều trì chích từ nhiều phía, bao gồm cả các nhà xuất khẩu.

Chính phủ Thái đã tiến hành can thiệp từ tháng 10 năm ngoái, trả lúa mua của dân với giá cao hơn tgiá thị trường, 15.000 baht (480 USD)/tấn, nhằm đẩy tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhiều nhà hàn lâm và chính trị gia, bởi nó kiềm chế xuất khẩu, đẩy dự trữ lên cao kỷ lục và nay chính phủ đang phải loay hoay tìm cách bán số gạo này đi.

Vụ thu hoạch mới sẽ tới vào tháng 10, và chính phủ Thái đã thông báo sẽ tiếp tục một chương trình can thiệp mới.

Nhưng với thông tin mới này từ Bộ Thương mại, rất có thể chương trình can thiệp mới sẽ có nhiều thay đổi.

Iraq đấu thầu mua 30.000 tấn gạo

Iraq mời thầu mua 30.000 tấn gạo từ mọi xuất xứ. Cuộc đấu thầu sẽ kết thúc vào 12-8, và giá chào có giá trị tới 16-8.

Iraq là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, phần lớn để sử dụng cho chương trình lương thực quốc gia.

Trong cuộc đấu thầu lần trước, thông báo hôm 16-7, Iraq đã mua 110.000 tấn gạo từ Thái Lan và Uruguay

Nhập khẩu gạo vào Indonesia 2012 sẽ giảm nhờ năng suất tăng

Nhập khẩu gạo vào Indonesia năm 2011/12 dự kiến sẽ chỉ ở mức 1,25 triệu tấn nhờ thời tiết thuận lợi đẩy tăng năng suất và sản lượng.

Tuy nhiên, giá gạo tại Indonesia vẫn cao hơn nhiều so với các thị trường khác. Hiện gạo Indonesia cao hơn khoảng 2900-300 USD/tấn so với gạo Thái Lan và Việt Nam.

Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký một biên bản ghi nhớ với Campuchia về việc nhập khẩu 100.000 tấn gạo.

Nhập khẩu của Bulog năm 2012/13 dự kiến sẽ tăng lên khoảng 1,45 triệu tấn.

Năm 2011-12, Bulog dự định mua khoảng 4,5 triệu tấn gạo – bao gồm 2,4 triệu tấn trên thị trường nội địa, tăng từ mức 1,3 triệu tấn năm trước đó.

Bulog chỉ có thể mua lúa của dân nếu giá trên thị trường rẻ hơn giá tham chiếu của chính phủ.

Indonesia ước tính sản xuất 36,5 triệu tấn gạo trong năm 2011-12, tăng so với mức 36,3 triệu tấn dự báo trước đó, bởi diện tích thu hoạch tăng lên 12,16 triệu ha từ mức 12,1 triệu ha trước đó.

Tiêu thụ ước tính tăng từ 39 triệu tấn năm 2010-11 lên 39,55 triệu tấn năm 2011-12, và 40 triệu tấn năm 2012-13.

Chính phủ Bangladesh dự định xuất khẩu lượng gạo dư thừa

Chính phủ Bangladesh đang có kế hoạch xuất khẩu gạo dư thừa. Giá gạo thị trường hiện rất thấp, giá bán lẻ trung bình loại gạo kém chất lượng là 25 taka/kg (0,31 USD/kg), trong khi chi phí sản xuất mỗi kg được cho là 26,50 taka (0,32 USD).

Kho dự trữ của chính phủ hiện đang đạt 1,3 triệu tấn - 488.000 tấn trong số đó đã được thu mua kể từ vụ mùa Boro thu hoạch vừa qua - và chính phủ có ý định tiếp tục thu mua, với mức giá 28 taka/kg cho đến tháng Chín.

Một phần của lý do xuất khẩu gạo là không còn chổ trống trong các kho công. Sức chứa của các kho chính phủ chỉ có thể chứa được 350.000 tấn gạo, nhưng khà năng chứa dự kiến sẽ tăng một khi chính phủ bắt tay vào chương trình VGF trước Eid.

Ý tưởng xuất khẩu gạo không xa lạ vì năm 1981 chính phủ Bangladesh đã xuất khẩu 10.000 tấn gạo. Tổng sản lượng gạo do Cục Thống kê đưa ra cho năm tài khóa 2011-12 là 33.730.000 tấn, tăng gần 1% từ 33,54 triệu tấn của năm tài chính trước đó.

Chính phủ đề xuất xuất khẩu sản phẩm gạo thơm thường xuyên, như vậy có thể được xuất khẩu  quanh năm, vì giá gạo thơm của Bangladesh cao hơn trên thị trường thế giới.

Myanmar phấn đấu một lần nữa trở thành “bát gạo” châu Á

Chính phủ Myanmar đang đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực nông nghiệp để lấy lại vị thế xuất khẩu trong khu vực. Xuất khẩu gạo của Myanmar đạt 844.000 tấn vào năm 2011, tăng gần 57% so với năm 2010.

Myanmar đã từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất khu vực vào những năm 60, tuy nhiên do bất ổn chính trị kéo dài, ngành công nghiệp lúa gạo nước này bị đình trệ hàng chục năm qua.

Ấn Độ có thể sẽ hạn chế xuất khẩu nhiều nông sản

Santo Investment Bank Research thuộc Tập đoàn tài chính Espirito Santo Financial Group SA (Bồ Đào Nha) cho hay Ấn Độ có thể hạn chế xuất khẩu gạo, lúa mì, đường, bông và hành để đảm bảo nguồn cung trong nước, do mùa gió mùa tệ hại nhất kể từ năm 2009 đang đe dọa vụ mùa năm nay của nước này.

Mùa mưa thường cung cấp trên 70% lượng mưa hàng năm cho Ấn Độ, nhưng lần đầu tiên trong ba năm trở lại đây, lượng mưa trong mùa này lại ở dưới mức trung bình. Lượng mưa tính từ ngày 1/6 đến 29/7/2012 tại Ấn Độ thấp hơn mức trung bình khoảng 21%.

Dự trữ gạo của nhà nước hiện ở mức 30,7 triệu tấn, tức là cao gần gấp hai lần mức cần thiết dành cho các chương trình phúc lợi và chương trình khẩn cấp.

(T.H – Oryza, Reuters)