Gói kích cầu của chính phủ dự kiến lên tới 8 tỷ USD, một loạt mối lo ngại quanh gói kích cầu này được bàn tán sôi nổi tại quốc hội cũng như trên mặt báo. Rất nhiều người lo ngại hiệu quả của gói kích cầu không như mong muốn, tiền sẽ không đến được nơi cần thiết nhất. Một số Đại biểu Quốc hội lo ngại nguồn kích cầu này đổ vào các doanh nghiệp nhà nước thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Xưa nay các doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả đầu tư thấp, tạo ra được ít công việc nên đổ vốn vào khu vực này có thể tạo ra lạm phát cao, trong khi mục tiêu quan trọng là giải quyết việc làm, giảm số người thất nghiệp không thực hiện được.

Liên quan đến gói kích cầu một câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời là “nguồn tiền đâu cho việc thực hiện kích cầu”. Quốc hội vừa phê duyệt mức thâm hụt ngân sách trong năm nay không được quá 8% GDP, con số này không cao so với mức thâm hụt ngân sách của nhiều nước trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, thâm hụt ngân sách của Việt Nam luôn ở mức cao và kéo dài trong nhiều năm qua nên hệ quả từ việc thâm hụt ngân sách trong năm nay có thể sẽ lớn hơn các quốc gia khác. Tài trợ cho thâm hụt hiện nay đang là một bài toán nan giải. Từ đầu năm đến nay, những đợt phát hành trái phiếu của chính phủ đã không thành công. Trái phiếu phát hành bằng VND thất bại do chính phủ áp đặt lãi suất trần thấp hơn yêu cầu của nhà đầu tư. Việc vay tiền trên thị trường quốc tế càng khó khăn hơn. Từ đó nhiều người lo ngại chính phủ sẽ phải sử dụng nguồn tiền từ NHNN, hệ quả của việc làm này là tình trạng lạm phát cao sẽ tái diễn, bất ổn kinh tế.

Tuần qua, lãi suất tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng cao, ABBank lập mức kỷ lục khi mức lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này lên tới 9.7%, tức là chỉ cách trần cho vay NHNN quy định là 0.8%. Nhiều ngân hàng khác cũng tiếp tục tăng lãi suất huy động để đảm bảo tính thanh khoản.

Một vấn đề đang rất được quan tâm hiện này là nhiều người đang lo ngại vấn đề lạm phát đang quay trở lại. Chỉ số giá trong Tháng Năm tuần tới mới được công bố nhưng nhiều người đánh giá CPI tháng này sẽ khá cao. CPI tại Tp. HCM đã tăng 0.58% so với tháng trước, đây được xem là mức tăng khá cao trong bối cảnh hiện nay. Biểu hiện đáng lo ngại trên thị trường, nhiều nhóm mặt hàng đã và đang tăng giá trở lại nhưng không phải do cầu tăng, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Liệu kinh tế Việt Nam có rơi và tính trạng vừa lạm phát vừa đình trệ hay không? Cho đến nay câu hỏi này vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng vì nó còn tuy thuộc nhiều vào cách thức điều hành nền kinh tế của chính phủ trong thời gian tới.

(Vietstock)

Nguồn: Vinanet