(VINANET) – Thị trường thế giới tháng 8/2011 có nhiều biến động mạnh, bị chi phối chủ yếu bởi các vấn đề tài chính ở các cường quốc thế giới. Dưới đây là tóm lược thông tin tháng qua:

Hàng hóa tháng 7 tăng lần đầu tiên tăng kể từ tháng 4, chủ yếu được thúc đẩy bởi giá kim loại quý và kim loại cơ bản tăng mạnh. Vàng tăng tới 8,5%, đạt kỷ lục cao 1.637,50 đô la/ounce hôm 29/7. Chỉ số giá 24 hàng hóa GSCI  của Standard & Poor tăng 2,4% trong tháng 7 vừa qua.

Chứng khoán thế giới mất 300 tỷ USD trong tháng qua, theo thống kê của Bloomberg. Chỉ số các thị trường hàng hóa MSCI giảm 0,7%. Chỉ số S&P 500 Index giảm 2,2% trong tháng 7, còn chỉ số Stoxx Europe 60 Index giảm 2,2%. Chỉ số chứng khoán châu Á – Thái bình Dương MSCI tăng 1,3%, là lần đầu tiên tăng kể từ tháng 4.

Chỉ số Bovespa của Brazil giảm 5,7%, hiện thấp hơn 20% so với mức kỷ lục cao của năm ngoái. Chỉ số chứng khoán Bombay của Ấn Độ giảm 3,4%, trong khi chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 2,2%. Chỉ số SET của Thái lan tăng 8,8%, trong khi đồng baht Thái tăng 3,3% so với đô la Mỹ, dẫn đầu xu hướng tăng trong nhóm tiền tệ các nước đang phát triển.

Đồng Euro mất giá thảm hại nhất trong số 10 đồng tiền của các nước đang phát triển, giarm2,6% trong tháng qua. Đô la Niu Di lân tăng 6% so với USD, trong khi đô la Úc tăng 2,5%. Euro trong khi đó giảm giá 0,7%.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 15,1% trong tháng 6, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2010. Kinh tế nước này dự kiến tăng 9,4% trong năm 2011, theo dự báo của Bloomberg.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 9,5% trong quý 2, bất chấp 5 lần tăng tỷ lệ lãi suất kể từ tháng 10 năm ngoái và những nỗ lực hạn chế cho vay.

Kinh tế Mỹ dự báo sẽ tăng 2,5% trong năm nay. Nợ của chính phủ Mỹ tăng 1,12% trong tháng 7 sau khi giảm 0,31% trong tháng 6, theo thống kê của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch.

Kinh tế khu vực đồng euro dự báo sẽ tăng 2%  trong năm nay. Hôm 21/7 các nhà lãnh đạo châu Âu dã nhất trí cho Hy Lạp vay khoản 159 tỷ euro để tránh vỡ nợ.

Nợ công là chủ đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Tình trạng nợ tăng cao tại khắp các nước giàu đang bùng nổ, người tiêu dùng tăng tối đa số thẻ tín dụng, các công ty tài chính thì tăng đòn bẩy, và quá trình giảm nợ thì mới chỉ ở giai đoạn sơ khai.

Nếu các nhà làm luật Mỹ không thể đạt được sự đồng thuận thì chắc chắn thị trường tài chính thế giới sẽ bị bao trùm bởi một bầu không khí ảm đạm với những xáo trộn lớn và sự nhảy múa không kiểm soát của lãi suất. Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền kinh tế châu Á sẽ là nơi “đứng mũi chịu sào” bởi khu vực này tập trung những quốc gia đang nắm giữ số lượng dự trữ ngoại tệ bằng đồng đô la Mỹ lớn nhất trên thế giới với khoảng 3.000 tỷ USD dưới hình thức trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ. Riêng Trung Quốc và Nhật Bản đã sở hữu tổng cộng trên 2.000 tỷ USD.

Vấn đề khiến các nhà quản lý châu Á quan ngại nhất là những hiệu ứng tiêu cực toàn cầu có thể khiến các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các nền kinh tế này cho dù triển vọng tăng trưởng tại đây sáng sủa hơn hẳn so với nhiều khu vực khác. Chủ nhiệm Văn phòng hội nhập kinh tế vùng của ABD - Iwan Azis cho biết: “Tăng trưởng tại hầu hết những nền kinh tế đang lên tại Đông Á đang giảm đi bởi những lo ngại về nợ công của Mỹ và các chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát”.

Đình công vô thời hạn tại mỏ đồng lớn nhất thế giới La Escondida ở Chile bắt đầu từ ngày 22/7, với sự tham gia của gần 2.400 người lao động, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Cuộc đình công này, cùng với nỗi lo về kinh tế vĩ mô khiến thị trường đồng thế giới biến động mạnh trong tuần cuối tháng.

Theo Credit Suisse Private Banking, đình công làm sụt giảm khá mạnh sản lượng của mỏ Escondida, làm trầm trọng hơn nữa tình trạng thiếu hụt trên thị trường đồng tinh chế toàn cầu.

Theo khảo sát của hãng tin Reuters, các nhà phân tích dự đoán thị trường đồng sẽ bị thiếu hụt 343.150 tấn trong năm nay và nguồn cung khan hiếm có thể sẽ đẩy giá đồng sớm trở lại mức cao kỷ lục trên 10.000 USD/tấn.

Tuy nhiên, sự vắng bóng của Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% nhu cầu toàn cầu và ước đạt 21 triệu tấn trong năm nay, cũng góp sức làm giá đồng dậm chân tại chỗ kể từ khi kim loại này đạt mức kỷ lục 10.190 USD/tấn hôm 15/2. Giá đồng tại LME đã tăng mạnh từ 9.655 USD/tấn cuối phiên 25/7 lên 9.820 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức cao 9.873,50 USD/tấn.

Mặc dù vậy, tới phiên cuối tuần 29/7, giá đồng lại bất ngờ tăng lên mức cao nhất từ ngày 11/4 với 9.895 USD/tấn trước khi lùi lại mức 9.820 USD/tấn khi công nhân mỏ Escondida kết thúc tám ngày đình công.

 (T.H – Tổng hợp)