*Giảm thuế suất thuế nhập khẩu một số thiết bị điện

Theo Thông tư số 138/2009/TT-BTC ngày 3/7 của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng thiết bị điện, thuế nhập khẩu máy biến điện sử dụng điện môi lỏng công suất không quá 10 nghìn kVA, loại cao thế giảm từ 10% xuốgn 5%; loại khác từ 28% xuống 20%; máy biến áp thích ứng giảm từ 28% xuống 10%; bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS) giảm từ 3% xuống 1%; bộ ngắt mạch tự động giảm từ 5% xuống 3%...Thông tư có hiệu lực và áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu đăng ký với hải quan sau 45 ngày kể từ ngày ký.

*Đủ đường cung ứng cho nhu cầu trong nước

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến tháng 7, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 185.400 tấn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh còn gửi tại các nhà máy 36.000 tấn đường. Cộng lượng đường này với lượng đường sẽ nhập khẩu theo hạn ngạch cam kết với WTO khoảng 29.000 tấn, tổng lượng đường sẽ lên tới 250.000 tấn. Theo Bộ, nếu mức tiêu thụ đường tháng 7,8,9 giữ như năm 2008 (khoảng 182.700 tấn) thì lượng đường này đủ để cung cấp đến cuối tháng 9/2009. Niên vụ đường mới sẽ bắt đầu từ giữa tháng 9/2009 và như vậy các nhà máy sẽ có đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

*Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 93/2009/QĐ-TTG cho phép các khu kinh tế cửa khẩu được tiếp tục bán hàng miễn thuế đến năm 2012. Nhưng Chính phủ cũng yêu cầu công tác quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu phải nghiêm ngặt hơn để bảo vệ sản xuất trong nước.

*Giá vàng trong nước ngày 15/7

Giá vàng trong nước sáng 15/7 nhích thêm 5.000 đồng/chỉ so với sáng 14/7, nhờ phiên phục hồi yếu thứ hai liên tiếp của giá vàng thế giới. Việc giá vàng tăng trở lại đã đẩy giao dịch vàng miếng quay về trạng thái trầm lắng.

Giá vàng miếng các thương hiệu tại thị trường trong nước đầu giờ sáng 15/7 phổ biến ở mức từ 2.075.000-2.080.000 đồng/chỉ (mua vào) và trên 2.085.000 đồng/chỉ (bán ra), tăng khoảng 5.000 đồng/chỉ so với giá áp dụng cùng thời điểm hôm trước.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC giao dịch tại chi nhánh Hà Nội của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc đầu giờ sáng là 2.078.000 đồng/chỉ và 2.088.000 đồng/chỉ.

Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu mua vào và bán ra lần lượt là 2.078.000 đồng/chỉ và 2.085.000 đồng/chỉ. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý (PQJ), giá vàng SJC tương ứng là 2.080.000 đồng/chỉ và 2.086.000 đồng/chỉ.

Trong vòng hai ngày trở lại đây, giá vàng trong nước đã tăng 10.000 đồng/chỉ nhờ sức kéo của giá vàng thế giới. Các nhà kinh doanh vàng cho biết, sau khi ấm lên đôi chút nhờ giá vàng trượt giảm liên tục thời gian gần đây, hoạt động mua vào vàng miếng đã chững lại từ ngày hôm qua khi giá vàng đảo chiều tăng.

Sự biến động yếu ớt của giá vàng, cộng thêm với mức giá lưng chừng như hiện nay, đang khiến các nhà đầu tư vàng - đặc biệt là những nhà đầu tư lớn - đứng ngoài cuộc. Tham gia thị trường vàng miếng lúc này chỉ là một số ít những người mua vào với mục đích tích trữ, thanh toán, trả nợ…

*Phiên giao dịch ngày 15/7: giằng co trên tham chiếu

Sự khởi sắc nối tiếp của chứng khoán Mỹ là động lực quan trọng trong phiên sáng nay. Qua 6 phiên giảm điểm nối tiếp và khá mạnh, VN-Index cũng đã về vùng được xem là có giá trị hỗ trợ khá mạnh 410 – 415 điểm. Tại phân vùng này, người mua bắt đầu sốt ruột hơn, trong khi người bán đã phân vân. Thực tế, hoạt động “dò đáy” đã bắt đầu nhộn nhịp từ phiên giao dịch 14/7, lượng bán ra đã giảm bớt.

Tổng giá trị giao dịch sáng nay ở mức 807,09 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với hôm trước. 124 mã tăng giá chưa thể khiến thị trường sôi động hơn.

VN-Index đóng cửa tăng 8,5 điểm lên 427,05 điểm với 22,23 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương 786 tỷ đồng. Tính cả giao dịch thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 807,09 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index cũng có phiên tăng điểm đầu tiên sau 6 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số này chốt ngày tại 142,9 điểm, tăng 2,22 điểm (1,58%) so với 14/7.

Toàn thị trường có 137 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 26 mã giảm giá.

*Gerber cung cấp thiết bị dệt may tại Việt Nam

Công ty Gerber Scientific International (GSI) - nhà cung cấp các giải pháp tự động hóa đã chính thức trực tiếp phân phối phụ tùng và vật tư tiêu hao và các thiết bị tự động hóa phục vụ ngành may mặc tại thị trường Việt Nam.

Hiện tại, có hơn 230 công ty trong lĩnh vực may mặc trên toàn quốc đang sử dụng các sản phẩm tự động hóa của Gerber như máy vẽ sơ đồ, bảng số hóa, máy cắt mẫu rập, máy trải vải tự động, máy cắt vải tự động một lớp và nhiều lớp.

 

Nguồn: Vinanet