Dẫn nguồn tin Gafin.vn, thị trường hàng hóa trong nước tuần qua có những điểm đáng lưu ý sau: Mỹ đã nâng tỷ lệ kiểm tra thanh long Việt Nam từ 10% lên 100%. Nga bác bỏ thông tin sẽ bán kali cho Việt Nam với giá rẻ….

Cà phê: Hoạt động thu hái cà phê đang diễn ra theo đúng nông lịch, giảm bớt tình trạng hái non, dẫn đến chất lượng không đồng đều, ảnh hưởng đến uy tín cà phê Việt Nam. Tuần qua, lượng cà phê người dân bán ra chưa nhiều, giá cà phê tại Đắc Lắc tăng 1,1 triệu đồng/tấn trong tuần, chốt tại 39,9 triệu đồng/tấn.

Tại Đắc Nông – một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê nước ta, nhiều vườn cà phê đã chín rộ nhưng không ít nhà vườn vẫn chưa tìm được nhân công thu hái. Nhiều nông dân vẫn hết sức lo lắng bởi nguy cơ mất cắp và tiêu hao sản lượng do cà phê chín rụng không được thu hái kịp thời.

Phân bón: Công ty phân bón Belarusian (BPC) do hãng OAO Uralkali, Nga kiểm soát đã bác bỏ thông tin sẽ bán kali cho Việt Nam với giá khoảng 509 USD/tấn và khẳng định giá bán cho Việt Nam vẫn sẽ sát với giá giao ngay tại thị trường Đông Nam Á, hiện đang là 535 USD/tấn.

Trước đó, Bloomberg trích dẫn một nguồn tin cho biết công ty này đồng ý bán khoảng 275 nghìn tấn kali cho Việt Nam trong năm tới với giá khoảng 140 triệu USD.

Thanh long: Mỹ nâng tỷ lệ kiểm tra thanh long Việt Nam từ 10% (10 container kiểm tra 1) lên 100% do lo ngại về dư lượng chất bảo vệ thực vật.

Thủy sản: Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định không cấm xuất nhập khẩu tôm thẻ chân trắng và hàu Thái Bình Dương. Việc đưa 2 loài này ra khỏi danh mục các loài này ra khỏi danh mục các loài có nguy cơ xâm hại sẽ được xem xét bởi một hội đồng tư vấn khoa học chuyên ngành thủy sản và sẽ có quyết định trong thời gian tới.

Mặt hàng khô: Trung Quốc đang có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm thủy sản khô như mực khô, cá khô, tôm khô, sá sùng khô và chế phẩm khô khác như da cá, vây cá, bóng cá.

Ngoài ra, mặt hàng gạo nếp, gạo tẻ hạt dài đánh bóng, nhân điều, các loại đậu đỗ, vừng cũng được ưa chuộng. Khối lượng giao dịch hàng khô, hàng tươi lẫn hàng đông lạnh đạt tổng 180 tấn/ngày, cao hơn 60 tấn/ngày so với tuần đầu tháng 11.

Cao su: Hoạt động giao dịch cao su tại cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm – La Phù trì trệ trong suốt 1 tháng, sản lượng giao dịch rất thấp. Giá cao su thiên nhiên xuất khẩu đầu tuần chỉ còn 20.600 nhân dân tệ/tấn, thấp nhất kể từ đầu năm. Nguyên nhân do hệ thống nhà máy sản xuất săm lốp ô tô của Trung Quốc giảm mạnh về nhu cầu nguyên liệu cao su, do sản xuất ra không tiêu thụ được, ngược hẳn so với mọi năm.

Xăng, dầu: Giá xăng RON 92 nhập khẩu trung bình tháng 11 đã giảm 7,28% so với tháng 10, trong khi giá dầu hỏa, dầu diesel và mazut đều tăng từ 3,85 – 4,76% so với tháng 10.

Hiện có hàng trăm container hàng nằm tại các cảng biển của TP.HCM nhưng không có người đến lấy, tập trung chủ yếu ở cảng Cát Lái, Bến Nghé, Tân cảng Sài Gòn và các ICD (loại cảng khô)…

Theo một cán bộ kiểm soát hải quan, nhiều trường hợp khi chủ hàng đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết thì hàng hóa đã bị hư hại, không còn giá trị. Nếu họ nhận hàng, phải chi trả các khoản chi phí về bến bãi, lưu kho nên phần lớn chọn phương án bỏ hàng.

 

Nguồn: Vinanet