*HĐND Thành phố Hà Nội khoá XIII xem xét, quyết định 5 vấn đề cấp thiết

Ngày mai (14/7), kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XIII sẽ diễn ra. 5 vấn đề mang tính cấp thiết sẽ được đưa ra trong kỳ họp lần này là: môi trường; xã hội hoá giáo dục đào tạo, y tế; giáo dục mầm non; công tác dân số; đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố, công trình công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ xem xét, rà soát các dự án chậm tiến độ, trong đó có vấn đề sân gold mà dư luận gần đây rất quan tâm.

Kỳ họp sẽ kéo dài trong 4 ngày từ 14-17/7/2009.

*Khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị đọc mã vạch

Tại khu công nghệ cao (TP Hồ Chí Minh), Tập đoàn Datalogic Scanning (Mỹ) vừa khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị đọc mã vạch cầm tay và cố định cho ngành bán lẻ.

Đây là nhà máy thứ 13 đi vào hoạt động tại khu công nghệ cao. Đến nay, đã có 38 dự án đã được cấp giấy phép với tổng vốn 1,7 tỷ USD. Dự án này sẽ mua bảng mạch in, động cơ không tiếp xúc trượt và phụ tùng đúc nhựa do các công ty tại khu công nghệ cao TPHCM sản xuất để chế tạo thiết bị đọc mã vạch. Tổng vốn đầu tư cho dự án là 46,6 triệu USD.

*500 tỉ đồng cho dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 5.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam vừa ký hợp đồng cung cấp tín dụng khoảng 500 tỉ đồng cho Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 5.

Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 5 do Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, công suất thiết kế 28 MW sản lượng điện khoảng 120 triệu kwh/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 700 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam sẽ tài trợ tín dụng trên 500 tỉ đồng.

Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Sơn đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành các bước đầu tư xây dựng và phấn đấu hoàn thành công trình vào cuối năm 2012.

*15 DN nước ngoài được cấp phép hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

6 tháng đầu năm 2009, Bộ Công Thương đã cấp phép cho 15 DN nước ngoài được hoạt động nhượng quyền thương mại (NQTM) tại Việt Nam. 

Theo Bộ Công Thương, hoạt động NQTM còn khá mới mẻ tại nước ta và Việt Nam hiện chỉ có 2 cơ sở pháp lý cho việc quản lý hoạt động NQTM là Nghị định 35/2006/NĐ-CP và Thông tư 09/2006/TT-BTM.

thống kê của Hội đồng Nhượng quyền thương mại Thế giới (WFC) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 70 hệ thống NQTM, trong đó chủ yếu là các thương hiệu nước ngoài như: Parkson (Malaixia), Metro (Đức), CBRE, Dilmah, KFC (Mỹ)…Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tiến hành NQTM Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Bánh ngọt Kinh Đô, AQ Silk, Siêu thị 24 – seven…

*Đảo Phú Quốc thành đặc khu hành chính đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Ðề án điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc đến năm 2030 và tầm nhìn sau năm 2030. Theo quy hoạch, đảo Phú Quốc sẽ có tầm phát triển ngang với đô thị lớn, các vùng du lịch trong nước và khu vực Ðông Nam Á.

Với Ðề án điều chỉnh quy hoạch chung, đảo Phú Quốc đến năm 2030 sẽ trở thành một đặc khu hành chính đặc biệt, là trung tâm động lực kinh tế của cả nước về du lịch sinh thái và dịch vụ chất lượng cao, trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học...

*Cả nước có trên 550 dự án đăng ký xây nhà ở xã hội

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hơn 550 dự án xây nhà ở xã hội được đăng ký trên cả nước bao gồm nhà ở sinh viên, nhà cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp gửi lên Bộ để trình Thủ tướng phê duyệt.

Hiện tại, Bộ Xây dựng cũng đang chuẩn bị đề án thành lập 2 tập đoàn về xây dựng và bất động sản trực thuộc, dự định trình Chính phủ trong tháng 7 này.

*Thị trường vàng trong nước ngày đầu tuần 13/7: giá nhích nhẹ

Giá vàng miếng trong nước sáng 13/7 nhích nhẹ 10.000 đồng so với cuối tuần, đạt mức 20,66 - 20,72 triệu đồng mỗi lượng (mua vào - bán ra). Trước đó, 3 ngày liên tiếp kể từ thứ 6, vàng vật chất niêm yết không đổi quanh 20,65 - 20,70 triệu đồng. So với 7 ngày trước, thị trường kim loại quý mất trung bình 210.000 đồng.

Trên sàn vàng, giới đầu tư đang mua bán khá dè dặt với phán đoán giá trái ngược nhau. Các chuyên gia thế giới cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi xuống tuần này.

*Phiên giao dịch ngày 13/3: VN-Index giảm hơn 12 điểm

Đã có những lo ngại khi nguồn cung liên tục gia tăng trong những ngày gần đây song dòng tiền vào thị trường lại đang thu hẹp dần khi thanh khoản trên sàn HoSE chỉ xoay quanh mức 1.000 tỷ đồng thay vì 2.000 – 3.000 tỷ như những ngày đầu tháng 6.

Mặc dù một số công ty bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đạt 60 – 70% kế hoạch và các mức chia thưởng hấp dẫn, song VN-Index cuối phiên giao dịch sáng nay bất giờ “rơi thẳng đứng” khi mất tới 12,16 điểm xuống 426,67 điểm. Thị trường đóng cửa với 147 mã giảm giá trong đó có 73 mã giảm sàn, 10 mã tăng giá và 9 mã đứng giá.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index kết thúc ngày tại 141,61 điểm, giảm 4,76 điểm (-3,25%) so với phiên trước. Số cổ phiếu giảm giá chiếm thế áp đảo với 148 mã trong khi chỉ có 32 mã tăng giá và 26 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 14,15 triệu đơn vị, trị giá 462 tỷ đồng.

Nguồn: Vinanet