*Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ đầu năm đến nay giảm về số lượng và hạ về đơn giá. Theo số liệu được Vitas công bố, 3 tháng đầu năm 2009, đơn giá hàng dệt may nước ta xuất khẩu vào Mỹ giảm 11,58%. Đáng lưu ý là nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may tại Mỹ cũng giảm tới 11,44% về sóo lượng và giảm 12,66% về giá.
Các quốc gia xuất khẩu khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm xuất khẩu từ thị trường Mỹ. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2009, Trung quốc xuất khẩu giảm 8,83%, Thái Lan giảm 13,27%, Sri Lanka giảm 18,42%, Indonesia giảm 10,05%.... Mức giảm 2% của Việt Nam được xem là con số lý tưởng so với các quốc gia kể trên.
*Hà nội: 4.000 đ/m3 nước ngầm
UBND TP vừa ban hành Quyết định số 78/2009/QĐ-UBND quy định giá tính thuế tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, giá nước ngầm là 4.000 đ/m3.
Giá nước ngầm được quy định để làm căn cứ xác định giá tính thuế tài nguyên nước trên địa bàn thành phố. Thuế suất và các quy định khác liên quan đến việc thu hút tài nguyên nước được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2009.
*Khách du lịch đến Nha Trang tăng đột biến
Giám đốc Sở văn hoá Thể thao và Du lịch Khánh Hoà cho biết, trong dịp Festivak Biển 2009, đã có khoảng 90.000 lượt khách đến Nha Trang, chủ yếu là khách nội địa (chiếm khoảng 98%).
*Nhà máy thủy sản thiếu nguyên liệu
Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản từ khai thác đến nuôi trồng nên hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu hiện đang phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động...
Tình trạng trên hiện đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nhà máy chế biến tôm, cá xuất khẩu khu vực miền Trung, ĐBSCL...
*Nhiều doanh nghiệp đồ gỗ có đơn hàng xuất khẩu trở lại
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, hiện nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu trong quý 3 và 4-2009. Ước tính hết tháng 6-2009, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt khoảng 1,26 tỉ USD, giảm 10-15% so với cùng kỳ năm 2008. Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành gỗ là Mỹ hiện giảm khoảng 10%, EU giảm 8-10%.
*Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đạt doanh thu 6.062 tỷ đồng
Công ty Điện lực dầu khí Cà Mau cho biết, từ khi Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 hòa lưới điện quốc gia đưa vào vận hành thương mại đến nay đã sản xuất được 6.269 tỷ KWh, đạt doanh thu 6.062 tỷ đồng.
Tính bình quân, mỗi năm Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có khả năng phát lên lưới điện quốc gia từ 8-10 tỷ KWh. Nhưng thực tế, thời gian qua EVN huy động sản lượng điện của hai Nhà máy điện Cà Mau thời điểm cao nhất chỉ đạt 76%.
*Lãi suất cơ bản sẽ ở mức 7% đến hết 2009
Standard Chartered Bank dự báo: Với tình hình kinh tế Việt Nam chuyển biến theo hướng tích cực, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng lãi suất cơ bản tiếp tục duy trì ở mức 7%, trước khi bắt đầu tăng lại vào giữa năm 2010.
*85 container hàng đông lạnh cuối cùng được thông quan
Sau hơn 2 tháng bị ách tắc do lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập biên mậu nên các mặt hàng tạm nhập tái xuất, trong đó chủ yếu là hàng đông lạnh không xuất khẩu được. Hôm nay (17/6), 85 container hàng thực phẩm đông lạnh cuối cùng trong tổng số 285 container tạm nhập tái xuất được thông quan qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Đến thời điểm này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái chỉ đạt gần 875 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2008.
*80% thiết bị y tế phải nhập khẩu
Phó Viện trưởng Viện Trang thiết bị và công trình y tế cho biết, cả nước hiện đã có hơn 50 đơn vị, công ty sản xuất, kinh doanh TBYT nhưng nếu nhìn nhận nghiêm túc thì ngành công nghiệp TBYT trong nước còn non kém, một số doanh nghiệp mới dừng lại ở việc sản xuất các mặt hàng đơn giản, thông dụng. Hiện trong số TBYT trong nước sản xuất, có khoảng 600 chủng loại được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép lưu hành. Nhưng đây chủ yếu là các dụng cụ cầm tay, giường bệnh nhân, bơm kim tiêm, dây truyền dịch, găng tay cao su hay nồi hấp tiệt trùng.
Theo tính toán của Viện Trang thiết bị và công trình y tế, có tới 80% TBYT sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh trong nước phải nhập khẩu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
 

Nguồn: Vinanet