*Kiểm soát chặt thịt lợn nhập khẩu từ Bắc Mỹ

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu, đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tăng cường giám sát việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn từ Mỹ, Mexico, Canada, để phòng chống virus cúm A /H1N1.

Tổng cục yêu cầu các chi cục hải quan cửa khẩu (đặc biệt là tại sân bay, cảng biển quốc tế) phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên môn của ngành y tế cùng các cơ quan có liên quan khác, tổ chức giám sát và quản lý chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt là những khách đến từ Mexico, Mỹ, Canada hoặc đã quá cảnh tại các nước này.

*Ngày 06/5: giá vàng giảm nhiệt

Sau hai ngày đầu tuần liên tiếp tăng gần ngưỡng 19,9 triệu đồng/lượng, giá vàng sáng 6/5 đã giảm nhẹ xuống quanh mức 19,8 triệu đồng/lượng.

Chi nhánh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nôi niêm yết giá vàng 19,77 – 19,83 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

So với sáng ngày 5/5, giá mua vào giảm 10.000 đồng và giá bán ra giảm 30.000 đồng/lượng.

Giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu, niêm yết ở mức 19,72 -19,80 triệu đồng /lượng, giảm mạnh 40.000 đồng/lượng mua vào và 60.000 đồng/lượng bán ra.

*Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5: VN-Index giảm 0,34%

Thị trường trong phiên giao dịch sáng 06/05/2009 đã phá tan mọi kỷ lục từ trước tới nay. Tổng khối lượng giao dịch đạt 78,9 triệu cổ phiếu, tương đương 2.319,96 tỷ đồng, gấp 3 lần về khối lượng và gần 3,5 lần về giá trị so với phiên giao dịch hôm qua (05/05).

Cục diện thị trường đã xoay chuyển hoàn toàn kể từ cuối phiên 2 khi các bluechips bị bán ra hàng loạt. Chốt phiên, Vn-Index giảm 1,18 điểm xuống 350,14 điểm, mức giảm 0,34%.

Đóng cửa phiên giao dịch, HaSTC Index chốt tại 124,4 điểm, giảm 3,19 điểm (-2,5%) so với ngày 5/5. Toàn thị trường có 87 mã đóng cửa tại giá sàn.

Cũng giống như tại HoSE, khối lượng và trị giao dịch tại HaSTC cũng lập nên kỷ lục mới khi có hơn 39,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá xấp xỉ 1.118 tỷ đồng.

*4 tháng đầu năm, lượng xe máy nhập khẩu giảm mạnh, mức giảm 105,8% về giá trị so với năm trước. Cụ thể, trong bốn tháng chỉ có 70.300 chiếc xe máy được nhập khẩu, trị giá 65 triệu USD. Lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam cũng giảm đến 60% về số lượng và 58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bốn tháng đầu năm, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu chỉ đạt 12.300 chiếc. Tổng trị giá 242 triệu USD, giảm đến 58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ ôtô, xe máy, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước bốn tháng đầu năm đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó sắt thép giảm 68%, xăng dầu 57%, phân bón 34%, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng 27%, máy tính và linh kiện điện tử 21%.

*Tiêu thụ xi măng tháng 4 tăng trở lại

Theo báo cáo 28/BC-BXD, Bộ Xây dựng cho biết xi măng tiêu thụ tháng 4 ước đạt 4,34 triệu tấn, tổng tiêu thụ 4 tháng đầu năm 2009 đạt hơn 14 triệu tấn. Tiêu thụ riêng tháng 4 bằng 30% của 4 tháng đầu năm. Theo Bộ Xây Dựng, việc tháng 4 sản lượng xi măng tiêu thụ tăng khá mạnh là do đã bước vào mùa xây dựng. Tháng 4 sản xuất xi măng toàn ngành ước đạt 4,31 triệu tấn, 4 tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 14,18 triệu tấn, bằng 32% so kế hoạch năm.

*ĐSCL và Đông Nam Bộ: sản lượng lúa đông-xuân gần 9,9 triệu tấn

Theo Bộ NN-PTNT, ĐBSCL và Đông Nam bộ đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông-xuân, sản lượng đạt gần 9,9 triệu tấn, trong đó ĐBSCL chiếm hơn 9,5 triệu tấn. Sản lượng lúa đông-xuân vẫn tăng hơn vụ trước, chủ yếu do nông dân chú trọng đến chất lượng và quy trình sản xuất lúa giống. Giá lúa ở ĐBSCL vẫn bình ổn ở mức 4200-4500 đồng/kg.

*Hàng trăm doanh nghiệp tham gia Tháng khuyến mại 2009

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tháng Khuyến mại Hà Nội năm 2009 được tổ chức vào tháng 11 năm nay và dự kiến thu hút từ 350-500 doanh nghiệp tham gia.

Đây là lần thứ 2 Hà Nội tổ chức Tháng Khuyến mại với quy mô lớn, sau năm 2007. Tháng Khuyến mãi 2009 sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá cả và tăng trưởng kinh tế khi Hà Nội mở rộng quy mô về địa giới hành chính; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng chuyên doanh, chợ lớn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn. Các nhóm hàng tham gia là thực phẩm - đồ uống, thời trang - dệt may, giày dép; điện-điện tử, máy tính; khách sạn – nhà hàng – du lịch và các sản phẩm khác.

*Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam lần thứ 16 – VIETNAM MEDI-PHARM 2009

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần thứ 16 – VIETNAM MEDI-PHARM 2009 được tổ chức từ 13-16/5/2009 tại Cung văn hoá Lao động Hữu nghị Việt-Xô, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội do Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam – VIEMDIMEX VN cùng Công ty CP Hội chợ Triển lãm & Quảng cáo Việt Nam – VIETFAIR và Công ty Triển lãm Thế Triển Quảng Tây – Trung Quốc – GXIEX phối hợp cùng tổ chức.

Triển lãm Quốc tế chuyên ngành y dược Việt Nam 2009 là Triển lãm chuyên ngành có quy mô lớn - với hơn 100 gian hàng của những công ty đến từ các nước và vùng lãnh thổ cùng với gần 250 gian hàng của các công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược phẩm và trang thiết bị y tế; là cơ hội để quảng bá hình ảnh, tôn vinh thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trang thiết bị y tế trong nước và nước ngoài.

 

 

Nguồn: Vinanet