Giá hàng hoá giảm do nỗi lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; Giá đồng thấp nhất 1 tuần; Giá vàng vượt 1.220 USD/ounce; Euro thấp nhất 4 năm so với USD; chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh cuối phiên.

Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, giá các hàng hoá cơ bản sụt giảm sau một tháng trải qua màn trình diễn tồi tệ nhất 18 tháng qua, bởi triển vọng nhu cầu sẽ sụt giảm tại châu Âu và thậm chí cả ở nền kinh tế tiêu thụ hàng hoá khổng lồ là Trung Quốc.

Giá đồng rơi xuống mức thấp nhất 1 tuần qua, trong khi giá dầu quay về gần 70 USD/thùng, giá đường cũng sụt giảm.

Tháng 5, chỉ số CRB của các loại hàng hoá đã có tháng giảm mạnh nhất kể từ sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers trong năm 2008. Chỉ số này tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tháng 6.

Giá hàng hoá giảm một phần cũng bởi ảnh hưởng từ đồng Euro suy yếu và chứng khoán Mỹ giảm khi mối lo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu và Trung Quốc sẽ chậm lại, ảnh hưởng tới sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Trong tuần trước, báo cáo của OECD cho thấy không có quá nhiều lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, tuy nhiên mức tăng sẽ chỉ 3%, thay vì 4 – 4,5% như dự báo trước đó.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 7 tại New York chốt phiên hôm qua ở 72,19 USD/thùng, giảm 2,45% so với phiên liền trước. Trong phiên có lúc giá giảm còn 71,64 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm 14% trong tháng 5 và là khoảng thời gian giảm giá lớn nhất kể từ cuối năm 2008. Đầu tháng 5, giá dầu đã ở mức cao của 19 tháng là 87,15 USD/thùng, nhưng nhanh chóng giảm và có lúc xuống còn 65 USD/thùng.

Trên thị trường kim loại, nỗi lo nhu cầu sẽ sụt giảm tại châu Âu và Trung Quốc đã gây sức ép lên giá kim loại cơ bản.

Ngân hàng Trung ương châu Âu hôm qua cảnh báo, các ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể phải đối mặt với thiệt hại lên tới 195 tỷ Euro, tương đương 239 triệu USD trong vòng 18 tháng tới do khủng hoảng tài chính gây ra.

Các nhà máy Trung Quốc trong khi đó thông báo sản lượng cũng sụt giảm trong tháng trước. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới này có thể chững lại. Báo cáo của Hiệp hội hậu cần và mua bán Trung Quốc (CFLP) cho thấy, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của quốc gia này trong tháng 5/2010 đã giảm xuống 53,9, từ mức 55,7 trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 54,5 do giới phân tích đưa ra.

Giá đồng giao sau 3 tháng tại Sở giao dịch Kim loại Luân Đôn giảm 3% xuống 6.720 USD/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi chạm 6.678 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ ngày 25/5 và so với 6.939 USD/tấn phiên cuối tháng 5.

Giá vàng giao ngay đã lên 1.223,90 USD/ounce trong phiên hôm qua - mức cao nhất của 2 tuần trở lại đây, trước khi chốt phiên ở 1.223,55 USD/ounce, chỉ cách chưa đầy 30 USD so với mức cao kỷ lục của tháng 5.

Theo chuyên gia phân tích Walter de Wet thuộc Standard Bank, nguyên nhân chính giúp giá vàng tăng là những gì liên quan tới châu Âu và các vấn đề nợ của khu vực này.

Nhu cầu đầu tư vàng vẫn ở mức cao, trong đó tổng lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust - quỹ đầu tư tín thác bằng vàng (ETFs) lớn nhất thế giới – vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục 1.267,93 tấn tính đến ngày 31/5. Trong tháng 5, các quỹ đầu tư vàng đã mua vào tổng cộng 5 triệu ounce, tương đương 8,3%, lên 63,8 triệu ounce.

Trên thị trường tài chính, đồng Euro rơi xuống mức gần thấp nhất 4 năm qua so với USD sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu cảnh báo các ngân hàng khu vực sẽ phải đối mặt với những thiệt hại mới và chứng khoán Mỹ sụt giảm sau khi chính phủ tuyên bố sẽ xem xét đến khả năng BP đã vi phạm luật trong sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico. Cổ phiếu của BP đã giảm 15% sau thông tin này.

Tháng 5, tháng tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán kể từ sau khi Lehman Brothers sụp đổ năm 2008, các nhà đầu tư đang lo lắng về sự tăng trưởng của kinh tế khu vực đồng tiền chung sẽ chậm lại do các nước phải ra sức khắc phục nợ. Điều này cũng tác động lớn đến toàn thế giới khi làm giảm nhu cầu xuất khẩu từ các nền kinh tế như Trung Quốc.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên hôm qua ở 10.024,02 điểm, giảm 112,61 điểm, tương đương 1,11%. Chỉ số S&P 500 giảm 18,70 điểm, tương đương 1,72% xuống 1.070,71 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 34,71 điểm, tương đương 1,54% xuống 2.222,33 điểm.

Các cổ phiếu thuộc lĩnh vực năng lượng tại Mỹ hôm qua sụt giảm mạnh nhất trên thị trường phố Wall, trong đó chỉ số năng lượng S&P giảm hơn 2% sau thông tin xấu liên quan tới BP.

Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI giảm 1,28% trong phiên hôm qua. Kể từ tháng 4 đến nay, chỉ số này đã mất 10% - thời điểm giảm mạnh nhất trong 1 quý kể từ tháng 3/2009.

Đồng Euro hôm qua giảm 0,51% so với USD xuống còn 1,2242 sau khi rơi xuống mức thấp nhất của 4 năm ở 1,2112 USD do khủng hoảng nợ ở châu Âu gây thiệt hại cho hệ thống ngân hàng khu vực. Đồng USD leo lên mức cao nhất của 15 tháng so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ.

(Vinanet - N.H )