Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng; Giá đồng và đường giảm ngày thứ 3 liên tiếp; Giá xăng dầu và nông sản tăng; Euro tiếp tục giảm bởi nỗi lo mới đến từ Hungari.

Giá hàng hoá trên thị trường thế giới giảm ngày thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 03/6, trong đó giá đồng giảm mạnh nhất trong nỗi lo quốc gia tiêu thụ số 1 thế giới là Trung Quốc phải đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế. Giá dầu tuy nhiên tăng sau khi chính phủ thông báo dự trữ nhiên liệu thô trong tuần trước giảm.

Thị trường nguyên liệu thô vẫn chưa tìm được động lực tăng kể từ phiên giao dịch đầu tháng 6, bởi những lo ngại liên quan đến Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và các số liệu vĩ mô về kinh tế Mỹ.

Dù trong bối cảnh này, giá vàng - thường tăng mỗi khi thị trường tài chính và chính trị có bất ổn - lại không đạt mức kỷ lục trong những ngày qua kể từ khi thiết lập mức cao hồi giữa tháng 5, bởi sức hút mạnh hơn của đồng USD.

Giá đường đã giảm hơn 3%, giá vàng giảm 1%, giá dầu tăng 2% và giá xăng tăng 6% trong phiên giao dịch đêm qua trên thị trường Mỹ. Các thị trường nông sản cũng tăng, đứng dầu là đậu tương tăng 2%.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô tăng 0,8% nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ của giá dầu.

Các nhà phân tích cho biết, báo cáo về tình hình việc làm của Mỹ tháng 5 sẽ công bố trong ngày hôm nay có thể sẽ là động lực tốt cho giá các hàng hoá công nghiệp như dầu, đồng và bông đi lên nếu số lượng việc làm mới tăng vượt dự báo.

Giá đồng giao tháng 7 tại New York giảm 9,40 USD xuống còn 2.9465 USD/lb - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 20/5.

Giá đồng giao sau 3 tháng tại Luân Đôn đứng ở mức thấp nhất 2 tuần qua 6.477 USD/tấn, trước khi hồi phục lên 6.525 USD/tấn vào lúc đóng cửa, giảm 140 USD so với phiên 2/6.

Giá kim loại đỏ đã giảm 12% kể từ đầu năm tới nay và từng rơi xuống mức thấp nhất của 3 tháng trong tháng 5 do nỗi lo liên quan đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nợ châu Âu.

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York tăng 1,74 USD lên 74,61 USD/thùng sau báo cáo dự trữ xăng dầu trong tuần trước tăng.

Giá dầu đã giảm 14% trong tháng 5 và chốt tháng ở 73,97 USD/thùng – tháng giảm nhiều nhất kể từ năm 2008, do khủng hoảng nợ ở châu Âu làm giảm triển vọng về nhu cầu nhiên liệu.

Giá khí thiên nhiên tại Mỹ trong khi đó leo lên mức cao nhất của 3 tháng do dự trữ dầu giảm hơn dự đoán trong tuần trước, đồng thời với dự báo mùa bão đang tới sẽ khiến giá tăng cao hơn.

Trên thị trường tài chính, đồng USD và chứng khoán cùng đi lên trước triển vọng lạc quan về báo cáo tình hình việc làm Mỹ tháng 5, sẽ công bố trong ngày 04/6, vựơt qua nỗi lo nợ ở châu Âu.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, sẽ có khoảng 513.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp được tạo mới trong tháng 5.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 5,74 điểm, tương đương 0,06% lên 10.255,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,44 điểm, tương đương 0,40% lên 1.102,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,96 điểm, tức 0,96% lên 2.303,03 điểm.

Đồng Euro hôm qua lại chịu thêm sức ép mới sau khi Hungari thông báo thâm hụt ngân sách trong năm tài khoá 2010 có thể tăng gấp đôi so với mức mục tiêu cam kết với các bên cho vay tiền trong đó có Liên minh châu Âu. Tính đến cuối giờ chiều, đồng Euro giảm 0,7% xuống còn 1,2160 USD. Đồng tiền chung từng rơi xuống mức thấp nhất của hơn 4 năm so với USD hôm 1/6 ở 1,2110 USD.

Chính phủ Hungari hôm qua cho biết, thâm hụt ngân sách của nước này có thể lên tới hơn 7% GDP trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức 3,8% đã cam kết với IMF và EU.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng 1,08% vào cuối phiên 03/6, sau khi leo lên mức cao nhất kể từ ngày 19/5 trước đó. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng hơn 3% - ngày tăng mạnh nhất trong 6 tháng qua. Chỉ số chứng khoán của các thị trường đang nổi tăng 1,7%.

(Vinanet - N.H)