Giá dầu và đồng tăng 3%; giá các nông sản đồng loạt tăng; giá vàng giảm; chứng khoán đi xuống vào cuối phiên; Euro hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp.

Phiên giao dịch ngày 09/6, giá hàng hoá trên thị trường thế giới đã có mức tăng cao nhất trong 2 tuần qua, trong đó giá đồng và dầu mỏ tăng khoảng 3% sau báo cáo về tình hình mậu dịch của Trung Quốc và tiêu thụ dầu mỏ của Mỹ.

Các nhà đầu tư giờ đây cảm thấy thoải mái hơn khi đổ tiền vào hàng hoá và giảm lo lắng về khả năng Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới – rơi vào suy thoái kép.

Hàng loạt các loại hàng hoá bao gồm cả đậu tương và đường đều tăng khi nhà đầu tư tin tưởng khủng hoảng nợ châu Âu có thể sẽ không kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá tăng 1,2% - mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ 27/5. Chứng khoán Mỹ tăng đến tận lúc thị trường đóng cửa, tuy nhiên các chỉ số lại giảm vào cuối phiên, chủ yếu do cổ phiếu của BP và các cổ phiếu năng lượng khác giảm.

Hôm qua, hãng tin Reuters dự đoán, xuất khẩu của Trung Quốc có thể đã tăng 59% trong tháng 5 so với cùng tháng năm trước. Trung Quốc là nước nhập khẩu kim loại cơ bản lớn nhất thế giới và là thị trường tiêu thụ năng lượng, nông sản quan trọng hàng đầu. Trung Quốc sẽ công bố thông tin chính thức trong ngày hôm nay 10/6.

Còn tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, dự trữ dầu thô trong tuần trước đã giảm mạnh hơn dự kiến đẩy giá dầu tăng cao.

Giá hàng hoá tăng còn bởi đồng USD yếu so với Euro khiến giá hàng hoá nguyên liệu thô tính theo đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ những đồng tiền khác.

Diễn biến giá hàng hoá cụ thể như sau:

Giá dầu thô ngọt nhẹ đóng cửa phiên 9/6 ở 74,38 USD/thùng, tăng 2,39 USD so với phiên liền trước, sau khi tăng lên gần 75 USD/thùng giữa phiên.

Giá đồng giao tháng 7 tại New York tăng 7,05 cent, tương đương 2,5% lên 2,85 USD/lb. Giá đồng tại Luân Đôn tăng 175 USD lên 6.340 USD/tấn.

Giá vàng giao ngay đã rời khỏi mức kỷ lục trên 1.250 USD/ounce thiết lập phiên trước đó, xuống còn 1.229,90 USD/ounce, giảm 15,7 USD so với phiên 8/6.

Giá ngô và ca cao tại New York cùng tăng 0,3%, với giá ngô chốt phiên ở 3,3825 USD/bushel và ca cao là 2.972 USD/tấn.

Giá đậu tương tăng 1,3% lên 9,4350 USD/bushel. Giá đường tăng 1,9% lên 15,16 cent/lb. Giá cà phê tăng 0,7% đạt 134,45 cent/lb.

Trên thị trường tài chính, chứng khoán Mỹ mặc dù tăng mạnh trong phiên nhưng lại quay đầu giảm vào cuối phiên, chủ yếu bởi cổ phiếu ngành năng lượng giảm trong mối lo sự cố tràn dầu tại vùng Vịnh sẽ ảnh hưởng xấu đến cổ tức của BP và đẩy hãng này đến tình trạng phá sản.

Nhóm 38 nhà làm luật Mỹ đã gửi thư cho giám đốc điều hành của BP yêu cầu ngừng chi trả cổ tức và tiêu tiền vào quảng cáo cho đến khi sự cố tràn dầu được kiểm soát tốt và dầu loang được dọn sạch. BP có dự định dành 2,63 tỷ USD trả cổ tức vào ngày 21/06/2010. Còn theo Fortune, BP có thể bị buộc nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong 1 tháng tới. Cổ phiếu ngành năng lượng Mỹ đã giảm 1,23% trong phiên hôm qua, trong đó cổ phiếu BP giảm 15,8% xuống mức thấp nhất trong 14 năm.

Trước đó, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ, ông Bernanke trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, cho rằng kinh tế Mỹ đang hồi phục rõ rệt và đủ khả năng để tránh cuộc suy thoái kép. Ông hy vọng nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 40,73 điểm, tương đương 0,41% và chốt phiên ở 9.899,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,35 điểm, tương đương 0,60% xuống 1.055,65 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 11,72 điểm, tương đương 0,54% xuống 2.158,85 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 1,2%. Chỉ số DAX của thị trường Đức và chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp, mỗi chỉ số tăng 2%.

Tại châu Á, thông tin xuất khẩu của Trung Quốc có thể đã tăng 50% giúp chỉ số chính của thị trường chứng khoán nước này tăng gần 3%. Nhà đầu tư cũng bớt lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế lần 2 sẽ ảnh hưởng xấu đến Trung Quốc. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 1%.

Đồng tiền chung châu Âu đã hồi phục phiên thứ 2 liên tiếp khỏi mức thấp nhất của nhiều năm, chủ yếu bởi các nhà đầu tư bớt lo lắng về khả năng khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Đến cuối ngày, Euro cao hơn 0,03% so với phiên trước, lên 1,1976 USD. Euro đã giảm 16% so với USD trong năm nay.

 (Vinanet - N.H)