Chứng khoán Mỹ tăng và USD yếu hỗ trợ giá hàng hoá; Giá dầu và lúa mì tăng 3% mỗi loại; chỉ số CRB cao nhất 2 tuần; Giá vàng vững trên 1.210 USD/ounce; Euro cao nhất 2 tháng so với USD.

Giá dầu mỏ và lúa mì tăng mạnh tới 3% mỗi loại trong phiên giao dịch ngày 13/7, giá đồng cũng tăng cao nhờ chứng khoán Mỹ lên điểm mạnh và USD yếu khiến các nhà đầu tư tăng niềm tin vào nền kinh tế và lạc quan hơn với thị trường hàng hoá.

Chỉ số CRB của 19 loại nguyên liệu thô tăng 1,4% lên mức cao nhất 2 tuần qua nhờ giá đường và vàng tăng.

Theo Adam Klopfenstein, chuyên gia phân tích giàu kinh nghiệm thuộc bộ phận Lind-Waldock của MF Global Ltd. tại Chicago “dường như nỗi lo về khả năng suy thoái kép của kinh tế Mỹ đã giảm bớt và đó là lý do tại sao giá hàng hoá tăng”.

Thị trường chứng khoán phố Wall hôm qua tăng mạnh bởi các nhà đầu tư lạc quan vào kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư trên thị trường dầu và các hàng hoá khác đang rất lạc quan trông đợi kết quả doanh số bán lẻ tháng 6 và doanh số bán ô tô tại Mỹ, sẽ công bố vào ngày hôm nay 14/7.

USD sau 2 phiên hồi phục đã lại rơi xuống mức thấp nhất 2 tháng so với Euro sau khi Hy Lạp công bố cắt giảm ngân sách, làm giảm mối lo về cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu bất chấp việc Bồ Đào Nha bị hạ xếp hạng tín dụng.

USD yếu thường khiến giá hàng hoá trở nên rẻ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ những đồng tiền khác.

Diễn biển trên thị trường hàng hoá như sau. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 tại New York tăng 2,20 USD và đóng cửa phiên 13/7 ở 77,15 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/6.

Giá lúa mì quay lại mức cao của 6 tháng bởi làn sóng mua kỹ thuật được hỗ trợ từ các yếu tố mạnh khác ngoài thị trường. Giá lúa mì giao tháng 9 tại Chicago tăng 2,5% và đóng cửa phiên 13/7 ở 5,49 – 1/4 USD/bushel. Kể từ cuối tháng 6, giá lúa mì liên tục tăng bởi vấn đề thời tiết bất lợi ở các nước sản xuất hàng đầu, riêng kỳ hạn tháng 9 đã tăng 15% trong tháng này.

Giá vàng trong khi đó tăng 2% và vượt qua mốc tâm lý quan trọng 1.200 USD/ounce, sau khi Moody hạ xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha, đẩy nhu cầu đầu tư vàng gia tăng. USD yếu cũng hỗ trợ cho giá vàng. Lúc đóng cửa phiên, giá vàng giao tháng 8 tăng 14,80 Usd lên 1.213,50 USD/ounce.

Giá đồng đã rời khỏi mức thấp của 1 tuần trong phiên trước đó nhưng nỗi lo nhu cầu đồng từ Trung Quốc sẽ giảm đã kìm hãm đà tăng của kim loại đỏ. Lúc đóng cửa phiên, giá đồng giao tháng 9 tại New York tăng 0,3% lên 3,0175 USD/lb.

Trên thị trường tài chính tiền tệ, đồng Euro hôm qua tăng 0,98% lên 1,2713 USD vào cuối phiên, sau khi chạm 1,2739 USD – cao nhất 2 tháng qua. Đồng tiên chung châu Âu còn được hỗ trợ bởi những hy vọng các công ty sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ngoài suy yếu so với Euro, USD còn giảm so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ, khi chỉ số USD mất 0,80% sau khi Mỹ công bố thâm hụt ngân sách tháng 5 tăng cao hơn dự đoán.

Chứng khoán toàn cầu hôm qua tăng cũng bởi những lạc quan vào mùa công bố kết quả kinh doanh hiện tại. Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu tăng 1,46%, trong khi chỉ số FTSEurofirst 300 của các cổ phiếu hàng đầu châu Âu tăng 1,92% - phiên tăng thứ 6 liên tiếp.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ tăng 156,75 điểm, tương đương 1,44% lên 10/363,02 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,59 điểm tức 1,59% lên 1.095,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 43,67 điểm, tức 1,99%lên 2.242,03 điểm.

Chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 2%. Chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 1,9%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp tăng 2%, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 0,1%.     

(Nguyễn Hằng)