Giá đồng tăng 2%; giá ca cao ở mức cao nhất 3 tuần; chỉ số CRB giảm 0,4%; giá ngô, đường và cà phê giảm; chứng khoán thế giới giảm, trừ Trung Quốc.

Giá hàng hoá trên thị trường hầu hết giảm trong phiên giao dịch ngày 22/6 bởi những ảnh hưởng từ việc Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ đã mờ nhạt.

Một lý do khác nữa khiến thị trường đi xuống là doanh số bán nhà tại Mỹ tháng 5 giảm hơn dự đoán. Theo các nhà phân tích, thông tin này cho thấy sự hồi phục của nền kinh tế số 1 thế giới đang yếu đi.

Giá đồng tuy nhiên vẫn tăng còn giá ca cao leo lên mức cao nhất 3 tuần bởi USD yếu.

Giá đồng giao kỳ hạn đã tăng 2% nhờ các yếu tố kỹ thuật và nhu cầu mua vào liên quan đến chính sách linh hoạt tỷ giá NDT của Trung Quốc - vốn kiểm soát chặt chẽ trong vài năm gần đây.

Tại New York, giá đồng giao tháng 7 tăng 5 cent, tương đương 1,7% và đóng cửa phiên 22/6 ở 2,9929 USD/lb. Giá đồng tại Luân Đôn trong khi đó tăng 15 USD lên 6.610 USD/tấn.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật thuộc Pioneer Futures, ông Scott Meyers, cho rằng, mức đóng cửa của hôm qua có ý nghĩa lớn bởi nó đang tíên sát ngưỡng 300 cent/lb. Nếu giá đóng cửa vượt qua mức này, giá đồng sẽ tăng ấn tượng trở lại.

Giá đồng đã tăng 4% trong phiên giao dịch đầu tuần này bởi Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ đồng số 1 thế giới - định giá lại đồng NDT.

Giá ca cao trong khi đó đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 6 và là một trong những ngày có mức tăng ấn tượng nhất từ đầu năm tới nay, chủ yếu bởi xu huớng giao dịch sôi động trên thị trường Luân Đôn và sự hỗ trợ của thị trường tiền tệ tại New York.

Tại New York, giá ca cao kỳ hạn tháng 9 tăng 70 USD, tương đương 2,3% lên 3.055 USD/tấn - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 3/6 và là ngày có mức tăng tính theo % cao nhất trong gần 4 tuần qua.

Tại Luân Đôn, giá ca cao cùng kỳ hạn tăng 45 bảng, tương đương 1,9% lên 2.405 bảng/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi chạm 2.420 bảng/tấn – cao nhất kể từ ngày 4/6.

Trái với đồng và ca cao, giá nhiều mặt hàng khác giảm trong đó có dầu thô, ngô, cà phê và đường, khiến chỉ số CRB mất 0,5% và rời mức cao của 5 tuần thiết lập hôm 21/6.

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York giảm 61 cent, tức 0,8% xuống còn 77,21 USD/thùng.

Giá đường chốt phiên ở 15,92 cent/lb còn giá ngô ở 3,51-1/2 USD/bushel. Giá cà phê arabica giảm 0,05 cent xuống còn 1,6075 USD/lb, giá cà phê robusta giảm 4 USD xuống 1.569 USD/tấn.

Trên thị trường chứng khoán, doanh số bán nhà tại Mỹ tháng 5 giảm 2,2%, so với mức triển vọng tăng 5,5% đã khiến thị trường đi xuống. Chốt phiên giao dịch đêm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 148,89 điểm tương đương 1,43% xuống 10.293,52 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,89 điểm tương đương 1,61% xuống 1.095,31 điểm.Chỉ số Nasdaq giảm 27,29 điểm tương đương 1,19% xuống 2.261,80 điểm.

Ông Christian Hviid, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Genworth Financial Asset Management, cho biết chứng khoán giảm trong phiên hôm qua còn bởi nhà đầu tư lo lắng

FED sẽ đưa ra nhận xét bi quan về kinh tế Mỹ trong tuyên bố về vấn đề lãi suất cơ bản sau buổi họp kéo dài 2 ngày kết thúc vào ngày thứ 23/6.

Còn ông Peter Tuz, chủ tịch hội đồng Chase Investment Council, cho rằng giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ sẽ còn biến động mạnh cho đến khi các công ty bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 2/2010 vào tháng 7/2010.

Trên thị trường châu Á, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng 0,1%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 1,22%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 0,45%.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE của thị trường Anh giảm 0,98%. Chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp giảm 0,83%.

(Nguyễn Hằng)