Chỉ số CRB thấp nhất 2 tuần: Giá đồng giảm 5%, Giá đường giảm 3,4%, Giá dầu mỏ giảm 3%, Giá cà phê giảm 4,7%; Chứng khoán Mỹ giảm mạnh; Euro giảm so với các đồng tiền khác. Trong quý 2, chỉ số CRB đã giảm 6,2%, giá đồng giảm 12%; giá đường giảm 40%, giá dầu giảm 9%; Euro giảm so với 15/16 loại tiền lớn.

Phiên giao dịch ngày 29/6, giá đồng trên thị trường thế giới giảm 5% trong khi giá dầu mỏ và nông sản đồng loạt đi xuống bởi niềm tin tiêu dùng tại Mỹ giảm và những lo lắng mới về sức khoẻ tài chính của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu. Sự điều chỉnh giảm chỉ số kinh tế của Trung Quốc tháng 4 cũng góp phần làm giá hàng hoá lao dốc bởi các nhà đầu tư lo ngại kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ khiến nhu cầu hàng hoá và năng lượng tại nền kinh tế số 2 thế giới giảm sút.

Thị trường chứng khoán phố Wall cũng giảm mạnh bởi làn sóng bán tháo trên thị trường. Trái phiếu Mỹ loại 2 năm rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Giá vàng, công cụ đầu tư thay thế an toàn, cũng giảm trong phiên hôm qua.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô giao dịch tại Mỹ giảm 2,8% và rơi xuống mức thấp nhất trong 2 tuần trở lại đây. Chỉ số này đã giảm 6,2% trong quý 2/2010.

Diễn biến trên thị trường cụ thể như sau:

Kim loại cơ bản

Theo tính toán của hãng tin Reutes, giá đồng đã giảm 18% trong quý 2 năm nay và giảm tổng cộng 12% kể từ đầu năm.

Tại New York, giá đồng giao tháng 9/2010 đóng cửa phiên 29/6 ở 2,9305 USD/lb, giảm 15,90 cent, tương đương 5,1% so với phiên liền trước. Như vậy, mức đóng cửa này vẫn ở dưới mức hỗ trợ 3 USD/lb.

Còn tại Luân Đôn, giá đồng giao sau 3 tháng đóng cửa phiên giao dịch đêm qua ở 6.494 USD/tấn, giảm 375 USD, tức 5,5% so với phiên liền trước. Giá các kim loại cơ bản khác cũng đồng loạt giảm, trong đó niken mất 7% và thiếc mất 4%.

Các thương nhân cho biết, giá kim loại cơ bản bị tác động giảm sau khi Conferent Boad điều chỉnh chỉ báo kinh tế tháng 4 xuống mức tăng 0,3%, từ mức tăng 1,7% đưa ra trước đó. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại công nghiệp lớn nhất thế giới.

Thị trường kim loại còn chịu sức ép của thông tin niềm tin tiêu dùng của người Mỹ tháng 6 thấp hơn dự đoán.

Hiện thị trường đang chờ đợi báo cáo tình hình việc làm Mỹ tháng 6, sẽ công bố vào thứ 6 tuần này.

Dầu mỏ

Giá dầu mỏ giảm bởi thông tin kinh tế bi quan và bởi cơn bão nhiệt đới không còn khả năng đe doạ tới nguồn cung năng lượng của Mỹ ở Vịnh Mexico.

Giá dầu thô ngọt nhẹ đóng cửa phiên 29/6 ở 75,94 USD/thùng, giảm 2,31 USD, tương đương 2,95% so với phiên liền trước.

Giá dầu thô đã giảm hơn 9% trong quý 2 năm nay và giảm gần 5% kể từ đầu năm.

Đường, cà phê, ca cao

Giá đường đã giảm 7% trong quý 2 năm nay và khoảng 40% kể từ đầu năm.

Trong phiên giao dịch đêm qua, giá đường thô giảm 3,4% xuống còn 15,28 cent/lb.

Giá cà phê arabica và robusta là hai mặt hàng có màn trình diễn ấn tượng thứ 2 và thứ 3 trong chỉ số CRB kể từ đầu năm tới nay, chỉ sau khí đốt thiên nhiên - mặt hàng tăng 26,7%.

Giá cà phê arabica chốt phiên 29/6 ở 1,6315 USD/lb, giảm 2,9% so với phiên trước đó. Trong 2 tuần qua, mặt hàng này đã tăng 27%.

Tại Luân Đôn, dù giảm nhẹ và đóng cửa phiên hôm qua ở 1.710 USD/tấn nhưng vẫn là mức cao nhất trong vòng 15 tháng qua.

Ca cao là mặt hàng có biến động mạnh nhất tại New York trong phiên giao dịch ngày 29/6 khi mất 147 USD chỉ trong 1 phút bởi làn sóng bán tháo ồ ạt. Đóng cửa phiên này, giá ca cao còn 2.979 USD/tấn - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/6. Trên thị trường Luân Đôn, giá ca cao cũng đã rời xa mức cao nhất 32 năm thiết lập tuần trước, và còn 2.379 bảng/tấn trong ngày hôm qua.

Chứng khoán, tiền tệ

Chứng khoán toàn cầu lao dốc còn đồng Euro giảm so với USD trong phiên giao dịch ngày 29/6 bởi nỗi lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Chỉ số VIX đo bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng 17,7% trong phiên hôm qua là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư lo ngại thị trường Mỹ sẽ tiếp tục giảm điểm sâu.

Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu mất 3,1% trong phiên hôm qua, chỉ số này của thị trường đang nổi giảm 2,8%.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 268,22 điểm, tương đương 2,65% xuống còn 9.870,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,33 điểm, tương đương 3,10% xuống 1.041,24 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 85,47 điểm, tương đương 3,85% xuống 2.135,18 điểm.

Tại châu Á, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 4,27% xuống 2.427,05 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 1,27% xuống 9.570,67 điểm. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông giảm 477,78 điểm tương đương 2,31% xuống 20.248,90 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,88% xuống 4.345,70 điểm.

Thị trường châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh giảm 3,1% xuống 4.914,22 điểm. Chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp giảm 4,01% xuống 3.432,99 điểm.

Trên thị trường tiền tệ, đồng Euro đã giảm 9,8% trong quý 2 so với USD và là quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.

So với các đồng tiền khác, Euro giảm giá so với 15/16 loại tiền lớn khác bởi lo lắng về khả năng các ngân hàng tại châu Âu sẽ phải đương đầu với vấn đề lãi suất cao hơn khi họ muốn vay lại các khoản vay từ Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Đồng yên trong khi đó giao dịch ở gần mức cao nhất trong hơn 8 năm so với đồng Euro bởi dấu hiệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu đối với tài sản an toàn tăng.

 (Nguyễn Hằng)