Giá lúa mì tăng 7%; Giá đậu tương tăng gần 7%; Giá dầu mỏ tăng 5,5%; Giá đồng tăng 4,8%; Chỉ số CRB có tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 18/6. Chứng khoán thế giới tăng 4/5 phiên giao dịch; USD giảm 0,5% so với các đồng tiền chủ chốt.

Giá hàng hoá trên thị trường thế giới đã có 4 phiên tăng liên tiếp trong 5 phiên giao dịch của tuần trước, với chỉ số chính đã có tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 18/6.

Giá lúa mì kỳ hạn tại Mỹ - mặt hàng tăng tốt nhất trong tuần qua kể từ giữa tháng 11 năm ngoái, đã giảm trong phiên cuối tuần qua sau 6 phiên tăng liên tiếp bởi báo cáo của chính phủ Mỹ dự đoán sản lượng ngũ cốc ở thị trường nội địa sẽ tăng hơn dự đoán trong năm nay, làm giảm nỗi lo về nguồn cung. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 7%.

Đậu tương là mặt hàng có mức tăng ấn tượng thứ 2 trong tuần qua khi tăng sát 7%. Cả lúa mì và đậu tương đều thiết lập mức cao của 6 tháng trong tuần trước.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô tăng 2,4% trong tuần qua - tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 18/6. Chỉ số này được hỗ trợ lớn bởi giá dầu mỏ và đồng khi cả hai mặt hàng này tăng 5% mỗi loại.

Diễn biến một số thị trường hàng hóa trong tuần qua như sau:

Giá lúa mì kỳ hạn chốt tuần qua ở 5,23 – 1/2 USD/bushel, giảm gần 2% so với phiên liền trước nhưng lại tăng 7% so với tuần trước đó. Sự sụt giảm trong phiên cuối tuần là bởi báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy niên vụ 2010/11 sản lượng lúa mì của nước này có thể đạt 2,216 tỷ bushel cao hơn so với mức trung bình của các dự báo 2,163 tỷ bushel, và cao hơn 7% so với niên vụ trước.

Giá đậu tương tại Mỹ tăng 1,8% trong phiên cuối tuần qua lên 10,25 USD/bushel và tăng tổng cộng 6,6% trong cả tuần.

Giá dầu thô tại New York tăng 5,5% trong tuần qua và chốt tuần ở 76,09 USD/thùng.

Giá đồng tăng 4,8% trong tuần trước và chốt tuần ở 3,0535 USD/lb.

Các nhà phân tích cho rằng, trong tuần này, thị trường sẽ chịu tác động lớn bởi các chỉ số về kinh tế Mỹ, bao gồm doanh số bán lẻ, doanh số bán ôtô tháng 6 - sẽ công bố vào ngày 14/7, tỷ lệ thất nghiệp lần đầu trong tháng 7 – công bố ngày 15/7, và giá tiêu dùng tháng 6 – công bố ngày 16/7.

Thị trường cũng sẽ phụ thuộc vào sự biến động của chỉ số chứng khoán S&P của Mỹ - chỉ số đại diện cho thị trường hàng hoá, sẽ điều khiển thị trường khi các số liệu kinh tế không đủ mạnh. Trong tuần qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 4% và là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2009.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao sự biến động của USD sau khi đồng tiền này giảm nửa phần trăm so với các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ trong tuần qua - tuần giảm tệ nhất kể từ ngày 25/6.

USD yếu thường thúc đẩy hoạt động mua vào các hàng hoá bởi nó khiến giá hàng hoá nguyên liệu thô tính theo đồng tiền này trở nên rẻ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ những ngoại tệ khác.

Trên thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu đã có phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong tuần qua trong tổng số 5 phiên giao dịch và có tuần tăng tốt nhất trong vòng gần 1 năm qua. Các nhà đầu tư dù vậy vẫn lo lắng về xu hướng của thời gian tới, họ chuyển sang mua vàng và USD khiến USD rời khỏi mức thấp nhất 2 tháng so với Euro còn vàng tăng hơn 1%.

Chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu tăng 5,1% trong tuần qua và là tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 18/6 khi chỉ số này tăng 6,6%. Riêng phiên cuối tuần MSCI toàn cầu tăng 0,61%.

Chỉ số FTSEurofirst 300 của các cổ phiếu hàng đầu châu Âu tăng 5,4% trong tuần qua và là tuần tăng tốt nhất kể từ tháng 7/2009. Riêng phiên cuối tuần, chỉ số này tăng 0,61% lên 1.021,78 điểm.

Cổ phiếu của các công ty khai mỏ và sản xuất kim loại dẫn đầu đà tăng trước triển vọng nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và kết quả kinh doanh quý 2 khả quan của Alcoa – nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới tại Mỹ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones 59,04 điểm tương đương 0,58% lên 10.198,03 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,71 điểm tương đương 0,72% lên 1.077,96 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 21,05 điểm tương đương 0,97% lên 2.196,45 điểm. Tính chung cả tuần, Dow Jones tăng 512 điểm tương đương 5,3% và có tuần tăng điểm mạnh nhất từ tuần kết thúc ngày 17/07/2009. Chỉ số S&P 500 tăng 5,4% - tăng mạnh nhất trong 1 năm, chỉ số Nasdaq tăng 5%.

Euro đã giảm trở lại so với USD trong phiên cuối tuần qua và rời khỏi mức cao 2 tháng. Theo các nhà phân tích, đồng tiền chung châu Âu khó có thể giữ mức kháng cự trên 1,27 USD bởi nỗi lo thể trạng kinh tế khu vực.

Kể từ mức thấp của tháng 6 ở 1,1877 USD, Euro đã tăng 6,1%.

(Nguyễn Hằng)