Giá dầu giảm 2%; Giá đồng giảm lần đầu trong 1 tuần qua; Giá vàng thấp nhất 3 tháng; Giá ngô, đậu tương, cà phê cùng giảm. Giá lúa mì và đường tăng.

Lòng tin tiêu dùng của người Mỹ giảm mạnh hơn dự đoán trong tháng 7 đã khiến giá hàng hoá giảm sâu bởi các nhà đầu tư quay trở lại với đồng USD.

Chỉ số CRB của các hàng hoá nguyên liệu thô giảm 0,8% trong phiên hôm qua sau khi giảm 1% phiên trước đó và có hai phiên liên tiếp giảm mạnh nhất kể từ 29/6.

Euro trong khi đó giảm so với USD. USD mạnh thường khiến giá hàng hoá trở nên đắt hơn với các nhà đầu tư nắm giữ những ngoại tệ khác trong đó có Euro.

Dầu mỏ

Giá dầu thô giảm 2% trong phiên giao dịch ngày 27/7 và đóng cửa ở 77,50 USD/thùng, từ mức sát 80 USD của 3 phiên trước đó. Sát lúc đóng cửa phiên, giá dầu giảm gần 3%.

Làn sóng bán tháo trên thị trường diễn ra hôm qua khi Mỹ công bố lòng tin tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua bởi nỗi lo thị trường việc làm ảm đạm tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Đồng

Giá đồng giảm lần đầu tiên trong 7 phiên qua sau khi tăng 10% kể từ đầu tháng.

Đóng cửa phiên 27/7, giá đồng giao sau 3 tháng tại Sở giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) đứng ở 7.058 USD/tấn, so với mức 7.148 USD phiên trước đó khi kim loại đỏ đạt mức cao của 10 tháng.

Giá đồng giao tháng 9 - kỳ hạn giao dịch sôi động nhất - tại New York giảm nửa phần trăm, tức 1,65 cent xuống còn 3,2065 USD/lb.

Vàng

Vàng, mặt hàng thường được tìm đến đầu tiên trong bối cảnh xuất hiện các vấn đề về tài chính và chính trị, đã giảm 2% trong phiên hôm qua và đóng cửa ở mức thấp nhất 3 tháng qua, bởi nhà đầu tư cho rằng USD trong thời điểm này là công cụ an toàn hơn.

Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust - quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới - giảm mạnh là bằng chứng rõ nhất cho thấy các nhà đầu tư đang quay mặt đi với kim loại quý này.

Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 2,1%, tức 25,10 USD xuống còn 1.158 USD/ounce - thấp nhất kể từ ngày 5/4.

Lúa mì

Giá lúa mì tăng gần 1% trong phiên hôm qua sau 2 phiên giảm trước đó bởi những lo ngại về xuất khẩu ở Biển Đen quay trở lại thị trường sau khi một số nhà phân tích giảm dự báo của họ về sản lượng ngũ cốc của Nga và Ukraina.

Tại Sở giao dịch Thương mại Chicagp, giá lúa mì giao tháng 9 đóng cửa ở 5,95 USD/bushel, tăng 5,5 cent so với phiên trước đó. Trong phiên, có lúc giá lên tới 6,04 USD/bushel – sát mức cao 13 tháng là 6,10 USD/bushel thiết lập tuần trước.

Giá lúa mì từng đạt kỷ lục trong năm 2008 bởi sản lượng giảm tại nhiều nước sản xuất.

Ngô và đậu tương

Giá ngô và đậu tương tại Chicago trong khi đó giảm nhẹ, với ngô giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Cả hai mặt hàng này đều chịu sức ép từ thông tin thời tiết ở Mỹ đã bình thường trở lại.

Giá ngô giao tháng 9 giảm 1 -1/4 cent xuống 3,62 -3/4 USD/busehl. Giá đậu tương giao tháng 8 trong khi đó đóng cửa ở 9,98 USD/bushel, giảm 1/4 cent so với phiên liền trước.

Đường

Giá đường thô vẫn ở mức cao của 4 tháng trong phiên hôm qua bởi nhu cầu mua vào của các nhà đầu tư và vấn đề trì hoãn xuất khẩu đường tại các cảng của Braxin vẫn chưa được giải quyết.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá đường thô giao tháng 10 tại ICE tăng 0,22 cent lên 18,84 cent/lb. Giá đường trắng tại Liffe cũng tăng 4,6 USD lên 570,70 USD/tấn.

Giới phân tích cho rằng, mưa tiếp tục xảy ra ở Braxin sẽ ảnh hưởng tới giá đường hơn nữa trong thời gian tới. Chuyên gia phân tích Wang Tao của Reuters cho rằng giá đường sẽ hướng về mức 19,31 cent/lb.

Cà phê:

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/7, giá cà phê arabica giao tháng 9 tại ICE giảm 0,10 cent xuống 1,6550 USD/lb. Giá cà phê robusta tại Liffe cùng kỳ hạn giảm 24 USD xuống còn 1.699 USD/tấn.

Các nhà phân tích nhận định, giá cà phê arabica giảm nhẹ để củng cố lại thị trường trước một đợt tăng trở lại mới. Nhà phân tích Wang Tao cho rằng giá cà phê arabica sẽ vượt qua 1,6980 USD/lb trong thời gian tới - mức cao của ngày 16/7 và hướng tới mức cao của ngày 24/6 là 1,7650 USD/lb.

Phiên giao dịch hôm nay 28/7, thị trường hàng hoá sẽ tiếp tục biến động khi Mỹ công bố số lượng đơn đặt hàng lâu bền tháng 6.

(Nguyễn Hằng)