Giá đồng cao nhất từ giữa tháng 5; Giá dầu vững ở gần 79 USD/thùng; giá ngô, đậu tương giảm 2%; giá lúa mì giảm 1%; Giá đường vững ở mức cao 4 tháng; Giá ca cao và cà phê tăng; Chứng khoán toàn cầu tăng; USD giảm.

Phiên giao dịch ngày 26/7, giá đồng trên thị trường thế giới đóng cửa ở mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi qua bởi USD yếu và doanh số bán nhà tại Mỹ tăng trong tháng 6. Giá dầu mỏ vững ở sát 79 USD/thùng bởi nguồn cung dầu sẽ trở lại bình thường ở Vịnh Mexico sau khi bão đi qua.

Chỉ số CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô tăng và đóng cửa ở gần mức cao của 11 tuần thiết lập cuối tuần trước, chủ yếu nhờ giá đồng cùng với giá hàng hoá mềm như ca cao và đường tăng.

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn giảm 2% mỗi loại, còn giá lúa mì giảm hơn 1% bởi hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư.

Các thông tin tích cự về kinh tế Mỹ như doanh số bán căn hộ độc lập tại Mỹ hồi phục mạnh trong tháng 6 đã tác động mạnh lên thị trường hàng hoá, trong đó đồng đựoc lợi nhiều nhất.

Giá kim loại đỏ đã tăng gần 10% trong tháng 7, kết thúc chuỗi 3 tháng giảm liên tiếp trước đó do tâm lý nhà đầu tư vững hơn trước sự hồi phục của châu Âu, các thông tin kinh tế vĩ mô lạc quan và nhu cầu cao hơn từ quốc gia nhập khẩu đồng số 1 thế giới là Trung Quốc.

Phiên giao dịch đầu tuần này, giá đồng giao sau 3 tháng tại Sở giao dịch Kim loại Luân Đôn (LME) đã tăng 1,7% tức 118 USD lên 7.148 USD/tấn. Trong phiên, kim loại sử dụng nhiều trong xây dựng và ngành năng lượng đã lên tới 7.148 USD/tấn – cao nhất kể từ 13/5.

Tại New York, giá đồng giao tháng 9 - kỳ hạn giao dịch nhiều nhất – đã tăng 1,2%, tức 3,80 cent lên 3,2230 USD/lb vào lúc đóng cửa. Trong phiên, giá có lúc lên tới 3,2380 USD/lb – cao nhất kể từ ngày 13/5.

Các nhà phân tích cho rằng thị trường đồng sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong phiên giao dịch hôm nay 27/7 khi Mỹ công bố niềm tin tiêu dùng tháng 7.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 8 đóng cửa ở mức không đổi so với phiên cuối tuần trước, ở 78,98 USD/thùng, nhờ doanh số bán nhà tại Mỹ tăng trong tháng 6 giữ cho giá không giảm khi thông tin cơn bão nhiệt đới ở vịnh Mexico qua đi và hoạt động khai thác dầu trở lại bình thường.

Giá dầu đã lên tới 79,60 USD/thùng trong phiên cuối tuần trước – cao nhất 11 tuần qua của giá dầu kỳ hạn gần, bởi lo ngại bão có thể ảnh hưởng tới sản lượng dầu.

Giá đường thô đóng cửa ở mức cao nhất 4 tháng qua bởi nhu cầu mua vào tăng khi Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ đường số 1- đang trải qua mùa mưa còn vấn đề liên quan đến vận chuyển tại Braxin vẫn chưa được giải quyết. Giá đường giao tháng 10 tại ICE hôm qua tăng 2% lên 18,62 cent/lb - mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 19/3. Giá đường trắng tại Luân Đôn trong khi đó tăng 6,90 USD lên 566,10 USD/tấn. Trong tuần trước, giá đường đã tăng 7%, trong đó giá đường trắng tăng tốt hơn đường thô.

Giá cà phê vẫn vững ở mức cao sau đà bán tháo của tuần trước - khiến giá cà phê arabicagiao tháng 9 giảm xuống dưới 1,56 USD/lb, trước khi hồi phục về 1,66 USD/lb vào cuối tuần. Đóng cửa phiên hôm qua, giá cà phê arabica giao tháng 9 giảm 0,4 cent xuống 1,6560 USD/lb. Giá cà phê robusta cùng kỳ hạn tại Luân Đôn trong khi đó giảm 7 USD xuống 1.723 USD/tấn.

Giá ca cao tăng trở lại vào cuối phiên bởi thông tin mưa lớn ở Bờ Biển Ngà vài tuần gần đây khiến quả ca cao mọc mầm và gây khó khăn cho việc phơi hạt, làm giảm chất lượng hạt. Giá ca cao giao tháng 9 tại New York tăng 7 USD lên 2.973 USD/tấn, ca cao cùng kỳ hạn tại Luân Đôn tuy nhiên giảm 10 bảng xuống còn 2.168 bảng/tấn.

Trên thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu tăng trong phiên giao dịch đầu tuần này sau khi Mỹ công bố doanh số bán nhà mới xây tăng vượt dự báo trong khi Euro mạnh lên so với USD.

Euro đã lên tới 1,30 USD trong phiên hôm qua - cao nhất kể từ ngày 20/7, là phản ánh của thị trường trước kết quả kiểm tra thể trạng của các ngân hàng trung ương châu Âu công bố cuối tuần trước.

Doanh số bán nhà độc lập tại Mỹ tháng 6 tăng 23,6% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/1980, từ mức thấp kỷ lục của tháng 5, đẩy trái phiếu chính phủ Mỹ giảm và hỗ trợ cho giá dầu mỏ.

Chứng khoán Mỹ hôm qua tăng mạnh sau khi FedEx nâng dự báo về triển vọng lợi nhuận, cổ phiếu FedEx lập tức tăng 5,6%. Thông tin từ hãng cung cấp dịch vụ đóng gói và vận chuyển hàng hóa này mang đến sự lạc quan cho những ai tin rằng đà phục hồi kinh tế yếu hơn tính toán của họ thời gian gần đây. Lúc đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã vượt 10.500 điểm khi tăng 100,81 điểm, tức 0,97% lên 10.525,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,35 điểm, tức 1,12% lên 1.115,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 26,96 điểm, tức 1,19% lên 2.296,43 điểm.

Ông Stephen Massocca, giám đốc điều hành tại Wedbush Morgan ở San Francisco, nhận xét: “Thông tin về triển vọng của FedEx và UPS công bố mới đây cho thấy dù có thể kinh tế đang tăng trưởng chững lại, người ta vẫn vận chuyển nhiều hàng hóa.”

0Các cổ phiếu trên thị trường châu Âu tăng lên mức cao nhất của 5 tuần, nhờ thông tin doanh số bán nhà của Mỹ, và kết quả thanh tra các ngân hàng nhấm chìm những lo ngại trước đó. Chỉ số FTSEurofirst 300 của các cổ phiếu hàng đầu tăng 0,4% lên 1.048 điểm.

Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI tăng 1,15% trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu của Thomson Reuters tăng 1%.

Trên thị trường châu Á, chỉ số MSCI của thị trường châu Á – Thái Bình Dương tăng đến ngày thứ 2 liên tiếp bởi các nhà đầu tư lạc quan hơn khi Hàn Quốc công bố tăng trưởng kinh tế tăng mạnh và xuất khẩu Nhật tháng 6/2010 cao vượt dự báo của các chuyên gia. Chỉ số này tăng 0,5% lên 118,05 điểm tính đến 4h chiều tại thị trường Tokyo và hướng đến mức đóng cửa cao nhất từ ngày 22/06/2010.

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 0,77%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông tăng 0,19%. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 0,63%. Chỉ số Straits Times của thị trường Singapore hạ 0,12%. Chỉ số SET của thị trường Thái Lan tăng 0,87%. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng 0,65%. Chỉ số Bombay SE Sensitive của thị trường Ấn Độ hạ 0,37%.

(Nguyễn Hằng)