Kết quả trên được cơ quan thông tin kinh tế của Tập đoàn The Economist (nhà xuất bản tạp chí The Economist) và Liên minh Phần mềm Doanh Nghiệp (BSA) công bố vào ngày 24/2 tại Hà Nội.
Theo công bố này, Việt Nam ở vị trí thứ 61 trong 66 quốc gia trên thế giới được chọn để thực hiện cuộc điều tra. So với cuộc điều tra đầu tiên được các tổ chức này tiến hành vào năm 2007 thì thứ hạng này được giữ nguyên, không tăng hay giảm.
Top 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc về Đài Loan, Australia, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Top 10 của bảng xếp hạng toàn cầu gồm Mỹ, Đài Loan, Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Canada, Australia, Hàn Quốc, Singapore và Hà Lan.
Ông Jeffrey Hardee, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA cho biết, cuộc điều tra này được thực hiện với sáu tiêu chí, gồm: môi trường kinh doanh (chiếm 10% mức độ quan trọng), cơ sở hạ tầng CNTT (20%), nhân lực (20%), môi trường pháp lý (10%), môi trường nghiên cứu và phát triển (25%), hỗ trợ đối với sự phát triển của ngành CNTT (15%).
Theo bản nghiên cứu này, công nghiệp phần mềm nội địa của Việt Nam đang bắt đầu phát triển và hấp dẫn các công ty đầu tư mạo hiểm Tây Âu. 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải duy trì những lực đẩy bên cạnh sự cải thiện về cơ sở hạ tầng về lâu dài, làm nền móng cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT còn non trẻ của mình.
Ông Jeffrey cũng cho rằng, để cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng cạnh tranh CNTT toàn cầu, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ cập máy tính trong cộng đồng (tỷ lệ sử dụng máy tính tính trên tổng dân số VN hiện nay là 1,4/100 người).
Bên cạnh đó, cần cải thiện tình trạng đào tạo trong lĩnh vực CNTT. Cần giảm tình trạng sinh viên tốt nghiệp các trường CNTT không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng; đồng thời, cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thanh tra bản quyền phần mềm để thực thi quyền sở hữu trí tuệ…
(CafeF)

Nguồn: Vinanet