Bộ Thương mại Indonesia nhận định, xuất khẩu dầu cọ và ca cao của nước này sẽ tăng trưởng trong năm nay nhờ giá cao và đầu tư mới vào các lĩnh vực này nằm nâng cao sản lượng.

Giá hàng hoá tăng có lợi cho nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đồng thời là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới và đứng thứ ba về sản xuất ca cao.

Bộ trưởng Thương mại Mari Pangestu cho rằng, xuất khẩu dầu cọ có thể tăng 16% về giá trị trong năm 2011 nhờ nguồn đầu tư mới trị giá 1,2 tỷ USD nhằm nâng cao sản lượng. Bà tuy nhiên cũng bày tỏ lo ngại tạm ngừng kế hoạch giải phóng mặt bằng rừng sẽ cản trở đà tăng sản lượng.

“Tăng trưởng trong xuất khẩu dầu cọ và ca ca sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng tăng và giá cao hơn trên thị trường. Chúng tôi dự báo giá hai mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay”, bà Pangestu phát biểu tại một hội nghị. Bà nói thêm, nhu cầu từ Trung Đông và Đông Âu cùng với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ.

Giá dầu cọ benchmark của Malaysia trên thị trường kỳ hạn đã chạm 3.905 ringgit/tấn trong ngày 05/1 - mức chưa từng thấy kể từ ngày 10/3/2008. Trong năm 2010, giá mặt hàng này đã tăng 42%, bởi những lo lắng mưa lớn sẽ kìm hãm nguồn cung ở Indonesia và Malaysia cũng như thời tiết khô hạn ở các vùng trồng đậu tương Nam Mỹ.

Dầu cọ và các loại dầu ăn khác chiếm 12,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ và khí đốt trị giá 115,94 tỷ USD của Indonesia trong 11 tháng đầu năm 2010.

Về ca cao, bộ trưỏng Pangestu cho rằng, xuất khẩu các sản phẩm ca cao sẽ tăng tới 61% về kim ngạch trong năm nay nhờ công suất nghiền ca cao gia tăng. Xuất khẩu ca cao nhân trong khi đó dự đoán tăng trưởng 22%.

Số liệu từ Bộ Thương mại cho thấy, công suất nghiền ca cao của Indonesia dự kiến đạt 280.000 tấn ca cao nhân trong năm nay, tăng 56% so với ước tính 180.000 tấn của năm 2010. Hoạt động nghiền ca cao gia tăng là bởi chính phủ đã áp thuế xuất khẩu lên ca cao nhân kể từ tháng 4/2010 nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp nghiền ca cao trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng. Thuế xuất khẩu ca cao từ tháng 4 năm ngoái đến nay dao động từ 0 đến 15%, tuỳ thuộc vào tính toán giá hàng tháng của Bộ Thương mại.

Còn về cà phê, Bộ Thương mại Indonesia dự đoán xuất khẩu sẽ chỉ tăng 5% trong năm 2011 bởi sản lượng giảm và tiêu dùng trong nước gia tăng. Năm 2010, xuất khẩu cà phê robusta của quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê robusta đã giảm 28% xuống 247.750,34 tấn do mưa lớn kéo dài làm giảm sản lượng.

Nguyễn Hằng