Năm 2017, Bangladesh đã nổi lên thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Ấn Độ sau khi lũ lụt phá hủy mùa màng, nhưng nay nước này đã có dư khoảng 2 đến 2,5 triệu tấn gạo.
Bangladesh còn có kế hoạch xuất khẩu lượng gạo dư thừa, lần xuất khẩu đầu tiên kể từ sau khi cấm bán gạo thường ra nước ngoài, tháng 5/2008 (khi giá trong nước tăng vọt). Cuối năm 2008, họ đã cấm xuất tất cả các loại gạo.
Giá gạo tại Bangladesh đã giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm do giá lúa giảm vì được mùa giữa bối cảnh lượng dự trữ của cả tư nhân và nhà nước đều còn nhiều.
Giá bán lẻ gạo lứt, loại gạo được tiêu thụ chủ yếu bởi những người dân có thu nhập thấp, ngày 21/5/2019 là 33 taka/kg, giảm 24% so với một năm trước đó, theo Cục marketing nông sản (DAM). Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2016, khi giá bán lẻ trung bình của gạo cùng loại là 33,58 taka/kg (số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc).
Dữ liệu của FAO cũng cho thấy giá đã giảm dần sau khi lên mức đỉnh cao 47,78 taka hồi tháng 9/2017. Chỉ hơn một năm sau đó, tháng 11/2018, giá giảm còn chưa đầy 40 taka/kg.
Kể từ đó, giá liên tục giảm khi mùa màng thuận lợi, điều mang lại niềm vui cho người tiêu dùng nhưng lại khiến cho nông dân nước này chịu tổn thất lớn.
Bangladesh đã thu hoạch được 36,2 triệu tấn gạo trong niên vụ 2017/18 và dự kiến vụ hiện tại sẽ tiếp tục lập kỷ lục cao mới, theo nhận định của Cục Khuyến nông (DAE) cũng như các nhà xay xát và thương gia nước này.
Đó là chưa kể nước này còn có thêm lượng gạo mới nhập khẩu, và còn lượng lúa gạo dự trữ. Theo ông Chitta Majumder, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Majumder (Majumder Group of Industries), lượng gạo dự trữ của Bangladesh rất lớn. Ông cho biết thêm rằng giá gạo và thóc có liên quan đến nhau, do đó khi giá lúa giảm thì giá gạo cũng giảm theo. Tùy thuộc vào chất lượng, giá thóc đã giảm khoảng 23% ở vụ Boro này so với cùng vụ năm ngoái, theo số liệu của DAM.
Các nhà sản xuất gạo lứt bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là gạo xát kỹ rồi đến gạo xát vừa, vì giá hiện rẻ hơn nhiều so với chi phí sản xuất lúa theo tính toán của Chính phủ (993 taka/maund tương đương 37,2 kg).
Kể từ ngày 15/5/2019, giá thóc sản xuất gạo lứt đã giảm xuống 540 taka/maund, từ mức 702 taka cùng kỳ năm trước.
Không chỉ nông dân thiệt hại mà các nhà xay xát cũng đang phản ứng mạnh với Chính phủ vì họ không thể chuyển chi phí của số gạo đã mua trước đây sang cho người tiêu dùng. Trên thị trường Bangladesh lúc này không có có người mua gạo, nên theo ông Chitta thì không còn cách nào khác ngoài việc xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Nirod Boron Saha, chủ tịch một hiệp hội gồm các nhà bán buôn và các đại lý gạo có tên Naogaon Dhan O Chal Arathdar Babshayee Samity nhận định rằng giá sẽ không thể tăng sớm, trừ khi các nhà xay xát bán được số gạo mà họ đã tích trữ.
Chính phủ cũng không có khả năng thu mua nhiều gạo. Ông Arifur Rahman Apu, Cục trưởng Tổng cục Thực phẩm cho biết: “Chúng tôi sẽ chỉ mua 1,2 triệu tấn gạo và 1,3 triệu tấn ngũ cốc. Tổng công suất dự trữ của chúng tôi là 2,1 triệu tấn”. Theo ông, Bộ Thương mại sẽ quyết định về việc xuất khẩu gạo.

Nguồn: VITIC

Nguồn: Vinanet