Các nước lớn giảm mua
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoại trừ thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019 với những lý do khác nhau như tồn kho vụ cũ cao ở Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia hay khôi phục sản xuất sau lũ lụt ở Bangladesh.
Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm. Đối với Việt Nam, xuất khẩu sang 3 thị trường này đã giảm từ 1,44 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2018 xuống chỉ còn 239 nghìn tấn. Kéo theo đó, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 5 tháng qua của Việt Nam chỉ đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%. Đối với Thái Lan, tổng xuất khẩu sang 3 thị trường trên cũng sụt giảm 71,6% so với cùng kỳ năm trước, làm cho tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 4 tháng năm 2019 giảm tới 16% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, nhiều nước nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo như: Thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn. Nhiều nước thậm chí còn nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực; các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiện, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu.
Bên cạnh những khó khăn như trên, gạo Việt còn phải đối mặt với nhiều đối thủ mới xuất hiện trên thị trường.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin, Trung Quốc vốn là một nước nhập khẩu lớn nhưng sắp tới sẽ trở thành nhà xuất khẩu gạo. Hiện thị trường lớn nhất của gạo Trung Quốc là châu Phi với giá rất rẻ và sắp tới có thể sẽ nhắm tới các thị trường của Việt Nam. Cùng với Trung Quốc, sau một thời gian xuất khẩu sụt giảm thì Myanmar cũng đang vươn lên trong xuất khẩu gạo.
Đối với Campuchia, bà Tâm nhận định, với khối lượng xuất khẩu mỗi năm chỉ hơn 200.000 tấn, Campuchia không phải đối thủ cạnh tranh về khối lượng với Việt Nam nhưng lại là đối thủ về mặt chất lượng do nước này thực hiện rất tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Bangladesh trước đây là nước nhập khẩu gạo rất lớn của Việt Nam, nhưng với lượng tồn kho cao, Chính phủ nước này đang hỗ trợ các DN xuất khẩu, do đó, Bangladesh sẽ trở thành nhà xuất khẩu gạo.
Mấu chốt vẫn là chất lượng
Phân tích về nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm, bà Tâm chỉ ra rằng, tiêu thụ gạo chất lượng trung bình và thấp giảm do không có nhu cầu mua từ các thị trường Philippines, Indonessia và Bangladesh. Duy chỉ có Malaysia tăng mua đối với loại gạo này do giá gạo Việt Nam rơi xuống mức thấp, cạnh tranh tốt so với Thái Lan. Đối với Trung Quốc, việc nâng cao hàng rào kỹ thuật được thực hiện với tất cả hàng nông sản, thực phẩm chứ không chỉ với riêng mặt hàng gạo. Thời gian qua, nhiều lô hàng gạo Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc đã bị trả về do không đảm bảo chất lượng, nhiều nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc cũng ngần ngại mua gạo của Việt Nam khiến lượng gạo Việt vào Trung Quốc giảm hơn 70% trong 5 tháng đầu năm nay.
Đồng quan điểm với bà Tâm, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định, gạo không xuất được là do chính chất lượng của hạt gạo chứ không thể đổ lỗi cho hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu hay bất cứ lý do nào khác. “Thực tế hiện nay trong khi gạo không bán được nhưng những loại có người cần mua thì ta cũng không có để bán” – ông Bình nói. Theo đó, để chấm dứt tình trạng này, ông Bình cho rằng, cần thực hiện liên kết sản xuất giữa DN với nông dân. “Một khi nông dân vẫn sản xuất không theo tín hiệu thị trường, không theo nhu cầu của người mua thì tình trạng này mãi mãi vẫn không thể thay đổi” – ông Bình nhấn mạnh.
Nhìn nhận về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, lâu nay các DN Việt Nam vẫn coi thị trường thế giới như “chợ huyện". “Sản xuất ra mà không biết sẽ bán cho ai, đi đâu... may mắn thì bán hết, còn không thì phải đổ đi” – ông Khánh nói. Về vấn đề liên kết, ông Khánh nói chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo hiện nay còn thiếu một mắt xích quan trọng nhất đó là người mua nước ngoài. Các mối liên kết giữa DN trong nước với nông dân hiện nay vẫn chỉ là liên kết đầu vào, còn đầu ra hoàn toàn chưa có. Hiện không có DN nào lập được hệ thống phân phối ở châu Phi, Hoa Kỳ... Theo đó, để thay đổi điều này thì cần có những giải pháp và thời gian dài.
“Riêng các DN phải trung thực về năng lực sản xuất, chế biến, năng lực kiểm soát chất lượng hạt gạo. Làm sao để mỗi hạt gạo đứng tên DN xuất ra nước ngoài đều phải đạt chất lượng, tuyệt đối không để hàng xuất đi lại bị trả về, ảnh hưởng tới uy tín không chỉ riêng DN mình mà cả ngành hàng lúa gạo Việt Nam”, ông Khánh nói.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập từ Việt Nam 223.078 tấn gạo, trị giá hơn 111,3 triệu USD, giảm gần 74% so với cùng kỳ năm 2018 do tồn kho cao và việc nước này nâng cao hàng rào kỹ thuật. Sự sụt giảm này đã đưa Trung Quốc từ vị trí số 1 về nhập khẩu gạo Việt Nam (chiếm hơn 40% thị phần) xuống thứ 3 (sau Philippines và Malaysia) với 8,1% thị phần.
Nguồn: Baohaiquan.vn