Giá lúa gạo hôm nay ngày 19/3 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng đi ngang.
Tại các địa phương như Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… hôm nay, gạo về lượng khá, chất lượng gạo không đều, đa phần gạo trung bình, ít gạo đẹp. Tại Đồng Tháp gạo nguyên liệu IR 504 và OM 18 có xu hướng giảm, kho mua giá thấp.
Theo đó, tại An Cư (huyện Cái Bè, Tiền Giang), gạo OM 5451 đẹp duy trì ở mức 11.800 - 11.900 đồng/kg; IR 504 ở mức 11.300 - 11.600 đồng/kg.
Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), giá gạo thơm đẹp ở mức 12.000 - 12.200 đồng/kg; gạo OM 380 ở mức 11.000 - 11.200 đồng/kg; gạo OM 5451 đẹp dao động quanh mốc 11.350 -11.550 đồng/kg; gạo IR 504 ở mức 11.200 - 11.400 đồng/kg; RVT ở mức 12.600 - 13.100 đồng/kg.
Tại các chợ lẻ, giá gạo đi ngang. Theo đó, giá gạo thường dao động quanh mốc 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.00 - 18.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 26.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 21.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg.
Trên thị trường lúa, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.300 - 8.200 đồng/kg. Thị trường giao dịch sôi động, nhiều lúa đẹp, giá ổn định.
Cụ thể, theo cập nhật của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.800 - 8.200 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg; Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 380 ở mức 7.500 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 7.400 - 7.500 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.100 đồng/kg.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 584 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 563, USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 478 USD/tấn.
Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp trong tái cơ cấu nông nghiệp. Để cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký diện tích tham gia đề án đến năm 2025 là 70.000 ha, đến năm 2030 là 163.000 ha. Riêng vụ Đông Xuân 2023 - 2024, tỉnh Đồng Tháp đảm bảo các tiêu chí tham gia đề án với trên 40.000 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tỉnh tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực và theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tỉnh chú trọng áp dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành sản xuất, chuyển dịch cơ cấu giống sang nhóm giống chất lượng cao.
Không chỉ An Giang hay Đồng Tháp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đều rất tích cực và chủ động tham gia đề án này với mong muốn đổi mới ngành hàng trọng tâm của khu vực. Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị ngày càng rõ, song ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, thách thức lớn nhất là nhận thức của nông dân, doanh nghiệp. Bởi đây là đối tượng sản xuất trực tiếp trong ngành hàng lúa gạo.
Ông Nguyễn Như Cường cho biết: Bộ cũng có các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, phát triển hạ tầng để thay đổi về tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp trong đề án. Ngành trồng trọt cũng sẽ hoàn thiện kỹ thuật để giảm vật tư đầu vào, giảm chi phí, giúp tăng giá trị sản phẩm;
Các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào nông dân hợp tác xã để tạo động lực cho họ thay đổi nhận thức, tư duy, phương thức sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò động lực, đầu tàu trong thực hiện đề án.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ, may mắn khi tham gia đề án này là nhiều năm qua tập đoàn đã đi theo mục tiêu bảo đảm năng suất, nâng cao thu nhập, vị thế nông dân, xây dựng vùng nông thôn đáng sống và nay sẽ thêm tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính.
"Các vùng sản xuất lúa sẽ quy hoạch vào đề án đều là những vùng mà tập đoàn có quan hệ trong sản xuất, liên kết hay vùng nguyên liệu mẫu của tập đoàn. Nay, tập đoàn tham gia với tư cách làm cân bằng lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị lúa gạo", ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.
Ông Huỳnh Văn Thòn cũng cho biết: Tập đoàn đã nhận tham gia đề án với diện tích lúa 365.000 ha. Tại các vùng đó, tập đoàn sẽ đưa toàn bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng đến nông dân để bảo đảm về năng suất, giá sản phẩm.
 
Tham gia cùng tập đoàn, nông dân được đầu tư toàn bộ giống, vật tư đầu vào với tiêu chí đúng, đủ, giảm chi phí, bảo vệ môi trường. Nông dân sản xuất được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ: máy gặt, máy cày, máy cuộn rơm, máy sạ... với tiêu chí sản xuất là mặt ruộng không dấu chân. Nông dân được nợ chi phí đến cuối vụ và khấu trừ vào tiền bán lúa. Đây được gọi là tiêu chí canh tác không dùng tiền mặt của tập đoàn.
 
"Nhà nước mong muốn lợi nhuận cho nông dân 30%, nhưng tập đoàn luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân cao hơn con số đó rất nhiều", ông Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, đề án sẽ được triển khai đồng loạt với các giống lúa xác nhận, sản xuất theo hướng đa giá trị. Điều này không những đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo vùng nguyên liệu cho chế biến công nghiệp và dinh dưỡng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Thực hiện đề án sẽ xây dựng được thương hiệu lúa gạo giảm phát thải để nâng cao giá trị hạt gạo Việt.

Nguồn: Vinanet/VITIC