Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Tiền Giang, giá lúa ghi nhận sự giảm giá 100 đồng/kg ở các loại như: IR 50404 còn 6.700 đồng/kg; OC 10 còn 6.500 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa OM 4218 ghi nhận sự giảm 100 đồng/kg, còn 6.600 đồng/kg; những loại khác vẫn không đổi so với tuần trước, như: lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.
Giá lúa ST tại Bến Tre cũng giảm 100 đồng/kg, còn 6.900 đồng/kg; IR 50404 giảm 50 đồng/kg, còn 5.650 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì ổn định như: OM 5451 là 6.600 đồng/kg; Đài Thơm 8 ở mức 6.800 đồng/kg; ST 24 là 8.200 đồng/kg; OM 4900 là 6.900 đồng/kg.
Giá lúa tại An Giang cũng giữ ổn định so với tuần trước, lúa Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 5.600 - 5.800 đồng/kg; OM 18 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.400 - 5.500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức từ 5.500 - 5.600 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; nếp tươi Long An từ 6.400 - 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nếp An Giang khô ổn định từ 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Hiện nông dân Bạc Liêu đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Hè Thu. Tuy nhiên, do thiếu nhiên liệu, nhiều máy gặt không thể hoạt động, dù các trà lúa trên đồng đã chín. Thậm chí, nhiều hộ đã thu hoạch xong nhưng vắng bóng thương lái, lúa phải nằm trên bờ, khiến nông dân vô cùng lo lắng.
Nông dân Nguyễn Công Dân ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ này gia đình có trên 1,3 ha lúa, đến nay, các trà lúa đã quá ngày thu hoạch hơn 10 ngày nhưng vẫn còn chờ dưới đồng vì không có máy gặt. Không riêng gì gia đình ông Dân mà các hộ dân ở gần cũng đang nằm trên "đống lửa" vì không có máy gặt. Chưa kể nhiều thửa ruộng có lúa bị đổ, ngã do những cơn mưa kéo dài liên tục thời gian qua đã bắt đầu nảy mầm, nông dân đứng trước vụ mùa khó khăn chồng chất khó khăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến trung tuần tháng 8, cả nước gieo cấy được 6,7 triệu ha lúa, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thu hoạch khoảng 4,4 triệu ha, tăng 2,1%; năng suất bình quân đạt 63,3 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt gần 28 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ.
Riêng vụ Hè Thu, Tổng cục Thống kê dự kiến sản lượng ước đạt 10,92 triệu tấn, giảm 219,2 nghìn tấn so với vụ Hè Thu năm 2021.
Trong khi thị trường lúa trong nước vẫn chưa có khởi sắc, thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm do nhu cầu tăng mạnh giữa lúc có lo ngại một số loại lương thực có thể bị hạn chế xuất khẩu.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 379 - 387 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, so với mức từ 366 - 372 USD/tấn trong tuần trước. Giá loại lương thực này đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất của Ấn Độ cho biết, giá gạo đồ của Ấn Độ tăng do một cuộc đấu thầu từ Bangladesh, nước đã thu mua một khối lượng lớn thực phẩm trong năm nay do mùa màng thiệt hại.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang xem xét có nên hạn chế xuất khẩu gạo 100% tấm hay không, khi diện tích trồng lúa sụt giảm do thiếu mưa.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết giá gạo trắng ổn định do nguồn cung dồi dào.
Nước láng giềng Bangladesh đang hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ để nhập khẩu tổng cộng 330.000 tấn gạo trong bối cảnh nước này cố gắng bổ sung nguồn dự trữ và hạ nhiệt giá trong nước.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm nhẹ xuống còn từ 415 - 416 USD/tấn so với mức từ 416 - 420 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay sự sụt giảm này là do thay đổi tỷ giá hối đoái.
Nhà giao dịch này cho biết hoạt động mua bán thường không mấy sôi nổi trong mùa mưa, có một số đơn hàng đến từ Trung Đông nhưng số lượng không lớn.
Xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến đạt từ 7 triệu tấn đến 7,5 triệu tấn do đồng baht giảm giá, chi phí vận chuyển thấp hơn và sản lượng tốt nhờ thời tiết thuận lợi.
Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch 2/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ đều tăng, dẫn đầu là giá lúa mỳ.

Nguồn: Bích Hồng-Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)