Theo ThejakartaPost, các nhà sản xuất cà phê và nông dân của Indonesia đang kêu gọi hỗ trợ, bao gồm cả tài chính và tiêu thụ sản phẩm, để đối phó với những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đối với nguồn cung cà phê.

Ông Rahmah, thành viên Hiệp hội cà phê Ketiara ở miền trung Aceh cho hay có khoảng 400 tấn cà phê đang trong tình trạng biên lai kho, trong đó có 150 tấn vẫn chưa bán được.

Biên lai kho hàng là một hình thức cho phép các chủ sở hữu nhỏ gửi sản phẩm của họ vào nhà kho để thế chấp cho một khoản vay hoặc đổi lấy biên lai.
“Người nông dân đang thực sự gặp khó khăn bởi cái giá mà người mua trả cho họ rất thấp”, ông Rahmah cho biết trong một cuộc họp trực tuyến do Bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chủ trì.
“Các nhà xuất khẩu cũng rơi vào tình trạng tương tự. Họ muốn xuất khẩu cà phê nhưng lại không có khách hàng”.
Hendarman, một thành viên của Hiệp hội nông dân trồng cà phê Indonesia có chi nhánh tại Bengkulu đã nhấn mạnh những nhu cầu cấp thiết về hỗ trợ tài chính.
“Phần quan trọng nhất là nguồn cung cà phê ( giai đoạn đầu của ngành). Cần có một tổ chức tài chính đóng vai trò là đơn vị thu mua để có sự đảm bảo về khả năng tiêu thụ của sản phẩm khi được sản xuất”.
Indonesia là nước sản xuất cà phê lớn thứ tư trên thế giới.
Chi tiêu hộ gia đình trong quí II/2020 của nước này giảm 5,51% so với cùng kì năm ngoái khi mà nền kinh tế giảm 5,32% so với năm trước, theo dữ liệu thống kê của Indonesia.
Chi tiêu hộ gia đình thấp hơn cũng tác động đến khả năng tiêu thụ cà phê.
Mặc dù chịu tác động mạnh từ đại dịch COVID-19, lượng cà phê xuất khẩu của Indonesia trong tháng 7/2020 tăng 1,1% so với cùng kì năm ngoái lên 668 nghìn bao có khối lượng 60kg/bao, theo dữ liệu từ Hiệp hội cà phê quốc tế (ICO).
Tuy nhiên, thống kê vẫn chưa biểu thị được những gián đoạn trong chuỗi cung ứng cà phê của Indonesia, vì các quan chức chính phủ đã thừa nhận sự cần thiết phải tài trợ tốt hơn cho ngành cà phê địa phương trong thời gian gián đoạn.
“Tổng thống đã chỉ ra cho tôi các phương án tiêu thụ những sản phẩm nông nghiệp này, bởi chúng vẫn chưa thực sự thu hút được thị trường nội địa và xuất khẩu”, Teten Masaduki, bộ trưởng Bộ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay.
Bộ đang chuẩn bị nhiều kế hoạch để đẩy nhanh việc tiêu thụ cà phê, bao gồm tài trợ cho các doanh nghiệp thu mua cà phê và liên kết với những đầu mối khác.
Những kế hoạch này đã được thực hiện bởi thống đốc bang Aceh, Nova Iriansyah.
Cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê bằng cách giảm giá để tăng sức mua trong mùa thu hoạch, ông Nova nhận định.
Ông cũng cho biết thêm khoảng 70% vụ thu hoạch cà phê ở Aceh sẽ diễn ra từ cuối tháng 9 năm nay cho đến tháng 1/2021.
Các tổ chức tài trợ cũng đã tham gia để giảm bớt gánh nặng tài chính cho nông dân và các doanh nghiệp cà phê.
Priyastomo, Giám đốc kinh doanh của ngân hàng quốc doanh Rakyat Indonesia, cho biết ngân hàng đã hỗ trợ ngành cà phê của nước này thông qua phương án trợ cấp các mặt hàng thuộc biên lai kho và các phương án khác.
Ngân hàng đang cung cấp lãi suất 6% cho nông dân, hiệp hội nông dân và doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống biên lai kho làm tài sản thế chấp.
Khoản lãi 5,25% bổ sung được chính phủ trợ cấp
“Biên lai kho là một chương trình của chính phủ nhằm hỗ trợ sản xuất liên tục và bền vững về giá cả của nông sản”, Priyastomo cho hay.
Ông cũng cho biết thêm rằng ngân hàng đã chuyển 17,9 tỉ USD cho ngành cà phê bao gồm 2,75 tỉ USD trong chương trình trợ cấp biên lai kho.

Nguồn: H.Mĩ/Kinh tế và Tiêu dùng