Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thịt lợn năm 2019 giảm khoảng 200 - 380 nghìn tấn, tương đương từ 7 - 10% so với năm 2018 do diễn biến phức tạp của tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu thịt lợn cũng đang tăng nhanh vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, việc nhập khẩu thịt lợn trong tháng 10 và tháng 11 năm 2019 đã có chiều hướng tăng mạnh. Riêng trong tháng 11 năm 2019, lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 15 nghìn tấn với kim ngạch 15,9 triệu USD, tăng 164% về lượng và 113% về kim ngạch so với tháng 11 năm 2018. Tính chung trong 11 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn của nước ta đạt hơn 111 nghìn tấn với kim ngạch 124 triệu USD, tăng 108% về lượng và 97% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu chủng loại thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương…, từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như Ba Lan, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Hà Lan…
Biểu đồ nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam qua các tháng trong năm 2019
ĐVT: Lượng: tấn; Giá NKBQ: USD/tấn
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 11 tháng năm 2019 là 1.117 USD/tấn, tương đương khoảng 25.950 - 26.000 đồng/kg. Thịt lợn nhập khẩu khi đưa ra thị trường phải chịu nhiều mức thuế (thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng 5%, chi phí, thủ tục nhập khẩu, bảo quản kho lạnh...), tương đương khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 11 đến nay, giá nhập khẩu đã có xu hướng tăng so với thời điểm các tháng trước đó do nhu cầu ngày càng đang tăng mạnh. Thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đều đang chịu thuế MFN với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có FTA với Việt Nam như Úc, Niu-di-lân, Nhật Bản, Liên bang Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3 - 21%.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thỏa thuận song phương về kỹ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước với tổng số 1.641 doanh nghiệp nước ngoài được phép xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào Việt Nam (chi tiết các nước, các doanh nghiệp truy cập tại đường link: http://cucthuy.gov.vn/Pages/danh-sach-cac-doanh-nghiep-cua-22-nuoc-du-dieu-kien-xuat-khau-thuc-pham-co-nguon-goc-dong-vat-tren-can-vao-viet-nam.aspx). Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện nhập khẩu thịt lợn từ các nước, các doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản (trong đó có thịt lợn), chỉ thực hiện quản lý nhập khẩu bằng các biện pháp kỹ thuật (kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm). Đây là biện pháp được hầu hết các nước thành viên WTO sử dụng nhằm quản lý nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ, mặt hàng thịt lợn không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương. Việc nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Theo đó, chỉ cho phép nhập khẩu từ các nước đã thỏa thuận và thống nhất với Việt Nam về yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đối với sản phẩm thịt xuất khẩu vào Việt Nam. Cụ thể: (i) Trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp phải có Đơn xin đăng ký kiểm dịch động vật nhập khẩu gửi Cục Thú y; (ii) Trên cơ sở Đơn đăng ký của doanh nghiệp, Cục Thú y có văn bản cho phép doanh nghiệp được kiểm dịch lượng hàng nhập khẩu cụ thể, nêu rõ: loại hàng, số lượng cho phép kiểm dịch nhập khẩu, cửa khẩu nhập, tên doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy sản xuất, thời gian thực hiện, mục đích sử dụng và chỉ định rõ tên Chi cục Thú y vùng làm thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu...; (iii) Doanh nghiệp xuất trình văn bản cho phép của Cục Thú y cho Chi cục Thú y vùng (ghi trong công văn của Cục Thú y) để thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật nhập khẩu; (iv) Sau khi được Chi cục Thú y vùng cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu, doanh nghiệp mới tiến hành các thủ tục hải quan để thông quan nhập khẩu.
Để góp phần bình ổn nguồn cung và giá thịt lợn tại thị trường trong nước ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cục Thú y trong hoạt động nhập khẩu để đa dạng hóa nguồn cung thịt lợn, đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế và diễn biến cung cầu trong nước tùy từng thời điểm.
Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn đề nghị gửi thông tin chi tiết về Bộ Công Thương (tên doanh nghiệp, số điện thoại, fax, email, đầu mối liên hệ, số lượng nhập khẩu, thị trường nhập khẩu... - bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh), thông qua Cục Xuất nhập khẩu theo địa chỉ email: xnk-ns@moit.gov.vn để các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài có cơ sở làm việc, trao đổi cụ thể với các Hiệp hội và đối tác nước ngoài có uy tín nhằm tổ chức hoạt động kết nối giao thương một cách thành công, hiệu quả.
Ngoài ra, Cục cũng đã đề nghị các Sở Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường tại khu vực biên giới thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán trái phép lợn sống và các sản phẩm từ lợn qua biên giới trên địa bàn theo Công văn số 1052/XNK-NS ngày 14 tháng 10 năm 2019 của Cục Xuất nhập khẩu và Công văn số 10/BCĐDTLCP ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi; theo dõi sát diễn biến hoạt động thương mại và trao đổi cư dân biên giới đối với hàng hóa nông, thủy sản nói riêng cũng như đối với lợn sống và các sản phẩm từ thịt lợn để phối hợp với cơ quan chức năng (Hải quan, Biên phòng, Thú y...) trên địa bàn chủ động ứng phó với hiện tượng vận chuyển, mua bán trái phép, chống đầu cơ, tích trữ, gây bất ổn đến tình hình thị trường trong nước.
Bộ Công Thương hiện đang tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả, nguồn cung, sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt “nóng” nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin và gây bất ổn thị trường; đồng thời, cũng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều đoàn làm việc với một số địa phương trọng điểm nhằm bàn các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến mặt hàng thịt lợn.
Theo khảo sát của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, trong những ngày đầu năm 2020, giá lợn hơi đang có xu hướng tiếp tục giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg tại các tỉnh phía Bắc (giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 94.000 đồng/kg; Hà Nam xuống 92.000 - 93.000 đồng; Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Tuyên Quang, Sơn La, giá phổ biến là 93.000 đồng/kg). Nhìn chung, dù giá lợn tại khu vực miền Bắc vẫn ở mức cao nhất cả nước, dao động 90.000 - 95.000 đồng/kg, nhưng đà tăng đã chững lại và bắt đầu đang điều chỉnh giảm. Các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối trên địa bàn các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đều khẳng định tiếp tục đồng hành trong việc bình ổn mặt hàng thịt lợn.
Cụ thể, Big C đã cam kết bán giá vốn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết, Sài Gòn Co.Op sẽ bán mặt hàng thịt ba chỉ với giá thấp hơn thị trường 20%, sườn non thấp hơn 8%, xương đùi thấp hơn 25%, xương ống thấp hơn 35%. Việc các doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần không nhỏ để khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng để tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá”, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Cục Xuất nhập khẩu